“Hai nỗi lo lớn của ngành Y tế ĐBSCL”:

Bài 2: Nhiều bệnh viện tìm không ra… bác sĩ

(Dân trí) - “Nhất bác sĩ…”, lời nói này dường như không còn nguyên giá trị đối với một số địa phương bởi theo lãnh đạo của nhiều bệnh viện các tỉnh ĐBSCL cho biết: “Bác sĩ bây giờ tìm “đỏ” cả con mắt cũng chưa chắc có”.

Trong khi nỗi lo nợ tiền bảo hiểm y tế của nhiều bệnh viện (BV) chưa có cách giải quyết thì nhiều BV ở ĐBSCL lại phải chịu thêm một nỗi lo nữa là thiếu bác sĩ (BS). Tình trạng này cũng đã xảy ra từ nhiều năm nay, đặc biệt ở các BV tuyến huyện.

 

Bác sĩ đi dần…

 

Trong 10 năm qua, BVĐK khu vực Cù Lao Minh, BV ĐK Châu Thành (Bến Tre) luôn trong tình trạng thiếu BS trầm trọng. Hiện BVĐK Cù Lao Minh đang thiếu 5-6 bác sĩ; BV Châu Thành thiếu 3-4 bác sĩ. BV đã vậy, các TT Y tế xã thì tình trạng còn nghiêm trọng hơn, không có một bác sĩ nào túc trực thường xuyên.

 

Bà Lê Thị Duyên Thắm, Giám đốc BVĐK Châu Thành, chia sẻ hiện nay nguồn BS của BV đã già đi nhiều, trong khi đó lớp BS trẻ học xong rồi đi luôn nên sẽ không có tính kế thừa. “Lỡ như vài năm nữa, lớp BS già về hưu hết thì không biết lấy đâu ra BS để chữa bệnh cho người dân”- bà Thắm nói.

 

“BS chính quy về công tác ở BV chỉ đếm được trên đầu ngón tay, có năm cũng chẳng có ai về. Một số BS lại đi khỏi BV để công tác ở chỗ khác”- bà Nguyễn Kim Trinh, Phó Giám đốc BVĐK khu vực Cù Lao Minh cho biết.

 

Tại Vĩnh Long, trong vòng 3 năm trở lại đây chỉ có 22 BS về công tác tại các BV tỉnh, huyện. “Con số này là quá ít để “rải” cho các BV huyện, Trạm Y tế…”- một lãnh đạo Sở Y tế Vĩnh Long cho biết.

 

BVĐK tỉnh Vĩnh Long trong năm qua có 3 BS giỏi đã xin đi nơi khác khiến BV gặp nhiều khó khăn. Tại BVĐK Trà Ôn (huyện Trà Ôn) trong 3 năm qua chưa tuyển dụng mới được BS nào nhưng lại có đến 4 BS bỏ việc; hiện BV này đang cần thêm từ 8-10 BS cho các tuyến.

 

Theo ông Huỳnh Hữu Nghĩa- phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, cho biết tuyến BV huyện luôn thiếu nhiều BS bởi khi sinh viên ngành Y ra trường thì đều muốn về BV tỉnh chứ không chịu về huyện. “Nguyên nhân do BV huyện chế độ thấp lại không có nhiều điều kiện để nâng cao tay nghề. Nhưng ai cũng muốn về tỉnh thì lấy ai để về huyện, khó khăn này năm nào cũng gặp mà chưa có cách giải quyết”- ông Nghĩa chia sẻ.

 

Theo lãnh đạo một số BV cho biết, để nâng cao chuyên môn trong việc điều trị bệnh, BV luôn cử người đi học tại một số Trường ĐH Y Dược ở Cần Thơ, TPHCM với điều kiện là phải về phục vụ bệnh viện ít nhất 5 năm nếu không sẽ phải bồi thường gấp 3 lần chi phí bệnh viện bỏ ra.

 

“Tuy nhiên việc bồi thường này cũng không có tác dụng bởi một số người học xong sẵn sàng bồi thường vì công việc mới ở các BV, cơ sở y tế tư nhân có thu nhập cao hơn nhiều”, lãnh đạo một BV cho biết.

 

Chỉ thiệt người dân

 

Bài 2: Nhiều bệnh viện tìm không ra… bác sĩ - 1

Lượng người khám không đông nhưng vẫn phải chờ lâu vì quá ít bác sĩ

Do không có BS ở tuyến y tế xã, các BV phải cử BS của mình xuống để hỗ trợ. Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt- phó Giám đốc BV Y học Cổ truyền Bến Tre, cho biết do thiếu BS nên mỗi tuần, BV phải cử 2 BS xuống các Trạm y tế xã, phường, thị trấn có bệnh nhân đông để khám bệnh. Theo bà Nguyệt, tình trạng này sẽ gây khó cho BV cũng như khó khăn cho người dân.

 

Bà Nguyệt nêu ra, bởi BV tuyến tỉnh cũng không có nhiều BS nên khi cử 2 BS đi thì BV lại thiếu. Trong khi đó, các Trạm y tế không có BS thường trực nên người dân có bệnh cũng không biết phải làm gì, nếu đi lên tỉnh thì xa và tốn chi phí quá vì thế người dân chỉ biết chờ đợi, có khi cũng chẳng còn quan tâm gì đến bệnh tật của mình.

 

Nhiều lãnh đạo BV cũng cho biết, BS giỏi ra đi thì có nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại sẽ không có người sử dụng. Người dân khi bệnh cần dùng các trang thiết bị này (như BVĐK Trà Ôn có máy nội soi; BVĐK Châu Thành có máy soi cổ tử cung, máy thở nhưng không có BS làm..) để điều trị thì không biết phải làm sao.

 

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt BS, theo lãnh đạo các BV, thì lãnh đạo UBND các tỉnh cần quan tâm hơn nữa để có những chính sách cụ thể, hợp lý “kéo” nhân lực BS về. Ngoài ra, Bộ Y tế cần có chính sách đào tạo mở rộng nguồn BS tại địa phương để BS gắn bó lâu dài với cơ sở…

 

“Nhưng điều cần nói nữa là rất cần những tấm lòng của các sinh viên ngành Y hãy vì quê hương mà về công tác để phục vụ, khám chữa bệnh cho người dân nghèo”- Trưởng phòng của một BVĐK huyện đã bộc bạch như thế.

 

Huỳnh Hải