1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sỹ quân hàm xanh và câu chuyện bắt “ma lá ngón”

(Dân trí) - “Cứu được mạng sống là điều quý nhưng quan trọng hơn là thay đổi nhận thức dùng lá ngón để giải quyết mâu thuẫn, bức xúc cá nhân của đồng bào”, bác sỹ quân hàm xanh Lê Anh Đức chia sẻ.

Bác sĩ "Đức lá ngón" và hành trình "bắt con ma độc"

Bác sỹ quân hàm xanh và câu chuyện bắt “ma lá ngón” - 1

Đại úy - bác sỹ Lê Anh Đức có nhiều năm gắn bó, chăm sóc sức khỏe cán bộ chiến sỹ và nhân dân vùng biên giới tỉnh Nghệ An.

Gần 30 năm công tác trong lực lượng biên phòng thì cũng 3/4 quãng thời gian đó Đại úy - bác sỹ Lê Anh Đức (SN 1974, xã Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An) bám trụ ở khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Biệt danh “Đức lá ngón” gắn với câu chuyện “bắt con ma độc” này khi anh phụ trách phòng khám quân dân y Đồn biên phòng Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An). Nhắc đến biệt danh này, bác sỹ Đức cười: “Mình xem đó như là một sự ghi nhận của đồng nghiệp, đồng chí, bà con và người bệnh trong việc cứu người tự tử bằng lá ngón”.

Tri Lễ là nơi sinh sống của đa số đồng bào Mông. Ở đây tình trạng người dân tự vẫn bằng lá ngón vẫn còn rất nhức nhối. Vợ chồng giận nhau, tìm đến lá ngón giải quyết. Anh em mâu thuẫn, cũng tìm lá ngón. Để chứng minh mình không sai, người ta cũng sẵn sàng tìm đến thứ lá cây chết người nhan nhản trên rừng này.

Bác sỹ quân hàm xanh và câu chuyện bắt “ma lá ngón” - 2

Đại úy - bác sỹ Lê Anh Đức trực tiếp cấp cứu một trường hợp tự tử bằng lá ngón. Theo anh, để cứu sống một người bị ngộ độc lá ngón thì quan trọng nhất là phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt.

Từ trước đến nay, trong tiềm thức của người dân thì ăn thứ lá kịch độc này là cầm chắc cái chết nhưng bác sỹ Đức không nghĩ như vậy. Thu thập các phương pháp dân gian cũng như kinh nghiệm, kiến thức của mình, bác sỹ Đức đã đưa ra bài thuốc cứu người ngộ độc lá ngón.

Bài thuốc đặc biệt từ cây chuối và rau má tươi

“Ca bệnh ăn lá ngón đầu tiên được cứu sống là vào năm 2016. Lúc đó trời gần tối, người nhà đưa anh Lô Văn X. (bản Yên Sơn) đến Trạm. Lúc này bệnh nhân đã tím tái. Sau 2 tiếng được cấp cứu tích cực tình trạng của bệnh nhân đã ổn, không còn nguy kịch tính mạng. Tính ra mỗi năm chúng tôi cứu 2-3 trường hợp, riêng năm 2019 có 7 trường hợp ăn lá ngón được cứu sống”, bác sỹ Đức kể.

Bác sỹ quân hàm xanh và câu chuyện bắt “ma lá ngón” - 3
Đại úy - bác sỹ Lê Anh Đức và cán bộ Trạm y tế xã Tri Lễ cấp cứu cho một trường hợp ăn lá ngón tự tử.

Bài thuốc mà bác sỹ Đức sử dụng là dùng thân cây chuối đập dập vắt lấy nước kết hợp với nước giã từ cây rau má tươi; thả nhái sống vào hỗn hợp nước này tầm 1-2 phút rồi vớt nhái ra trước khi cho bệnh nhân uống. Việc cứu người phải sử dụng hoàn toàn nước được lấy từ thân cây chuối và rau má tươi, tuyệt đối không sử dụng thêm nước lạnh hay nước sôi bởi khi có nước, chất độc sẽ ngấm nhanh hơn vào nội tạng của người bệnh. Sau đó, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc kháng sinh Histamine (Dimedron), thuốc trợ tim, trợ sức, Coticoid (Hydrococtison).

Theo bác sỹ Đức việc cứu sống bệnh nhân tùy thuộc vào việc chất độc đã ngấm sâu vào cơ thể hay chưa. Do vậy, mỗi khi tiếp nhận một trường hợp ngộ độc lá ngón thực sự là một cuộc chạy đua với thần chết để giành giật sinh mạng. Quan trọng nhất là loại bỏ được chất độc trong cơ thể bệnh nhân càng sớm càng tốt.

Bác sỹ quân hàm xanh và câu chuyện bắt “ma lá ngón” - 4
Từ năm 2016 đến nay bác sỹ Lê Anh Đức cùng đồng nghiệp Trạm quân dân y kết hợp, Đồn biên phòng Tri Lễ cứu sống 16 trường hợp người dân tự tử bằng lá ngón.

Nhiều trường hợp đưa đến quá muộn, chứng kiến cái chết vật vã đau đớn của bệnh nhân, các bác sỹ không khỏi xót xa cho nhận thức của một bộ phận đồng bào vùng biên.

“Trong nước thân cây chuối hoặc nước rau má tươi có chất ức chế chất độc của lá ngón. Khi đổ được nước chuối hoặc nước rau má vào dạ dày bệnh nhân thì phải nhanh chóng kích thích cho bệnh nhân nôn hết dung dịch trong dạ dày. Do vậy, khi vắt nước, tôi thả vào một con nhái sống để lấy chất tanh, kích thích nôn. Trong trường hợp không tự nôn được thì phải dùng tay để kích thích hoặc sử dụng thiết bị y tế để súc rửa ruột, dạ dày cho người bệnh”, bác sỹ Đức cho biết thêm.

Trong 4 năm qua, với bài thuốc độc đáo này, bác sỹ Lê Anh Đức và đồng nghiệp tại Trạm quân dân y kết hợp của Đồn biên phòng Tri Lễ đã cứu sống 16 trường hợp ngộ độc lá ngón. Cảm kích sự tận tâm của các bác sỹ, nhiều gia đình mang gà, nông sản, thậm chí cả tiền đến cảm ơn nhưng anh nhất định không nhận.

Bác sỹ quân hàm xanh và câu chuyện bắt “ma lá ngón” - 5
Các bộ chiến sỹ biên phòng Nghệ An tuyên truyền người dân nhổ bỏ cây lá ngón.

“Nhiệm vụ của mình là cứu người. Đứng trước sự nguy hiểm tính mạng của người khác, là bác sỹ, là người lính mình phải cố gắng hết sức. Tính mạng của con người là quan trọng nhất. Bởi vậy, cứu người ngộ độc lá ngón là một chuyện, nhiệm vụ quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của đồng bào. Không phải cứ gặp khó khăn, mâu thuẫn là tìm đến lá ngón để giải quyết”, Đại úy Lê Anh Đức tâm sự.

Hiện Đại úy – bác sỹ Lê Anh Đức đang hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học về phương pháp cứu người bị ngộ độc lá ngón. Bài thuốc độc đáo này cũng đã được phổ biến đến các trạm quân dân y trên toàn tuyến biên giới tỉnh Nghệ An và đã phát huy hiệu quả trong việc xử lý, cấp cứu các trường hợp ngộ độc do ăn lá ngón.

Hoàng Lam