TPHCM:

Bác sĩ y tế dự phòng “miếng xương chẳng ai muốn gặm”

(Dân trí) - Là những “chiến sĩ” tiên phong của ngành y tế trong việc phát hiện, bao vây và xử lý dịch bệnh nhưng thu nhập của bác sĩ ngành y tế dự phòng lại quá “bèo bọt”. Nhân tài trong công tác phòng bệnh đang như “lá cuối thu” vì thiếu một cơ chế thông thoáng.

Thu nhập ít ỏi, công việc chồng chất

Trong khi các loại bệnh cũ như: Lao, sốt rét, ung thư, tiểu đường, tâm thần… vẫn chưa thể đẩy lùi thì những năm gần đây nhiều loại bệnh mới: HIV/AIDS, SARS, H5N1, H1N1… đang “làm mưa làm gió” gây hao tiền, tổn mạng của người dân giữa thế chật vật chống đỡ của ngành Y tế. Những lỗ hổng của Y tế dự phòng TPHCM, trong đó nguồn nhân lực thiếu trầm trọng là yếu điểm đang tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh dịch hoành hành.

Thu nhập thấp là yếu tố then chốt khiến y tế dự phòng thiếu nhân lực
Thu nhập thấp là yếu tố then chốt khiến y tế dự phòng thiếu nhân lực

Đến nay, thành phố có khoảng 10 triệu người, dân số cơ học liên tục biến động khiến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lực lượng bác sĩ hiện chỉ tập trung vào mạng lưới khám chữa bệnh còn mạng lưới y tế dự phòng chỉ thưa thớt. Ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng thành phố nhấn mạnh: “Nhân sự của Y tế dự phòng phải đạt từ 25-30% trong ngành thì mới có thể làm tốt được công tác phòng bệnh.” Nhưng thực tế thống kê của Sở Y tế cho thấy, đến cuối năm 2012 toàn thành phố có 43.370 cán bộ, nhân viên y tế. Trong đó tuyến dự phòng chỉ có 5.046 người (chiếm chưa tới 12% nhân lực toàn ngành).

Người làm công tác dự phòng gần như không có thu nhập thêm bởi quy định bác sĩ y tế dự phòng chỉ được làm công tác phòng bệnh, không được tham gia khám chữa bệnh. Khi thu nhập chỉ trông chờ vào đồng lương, giữa cơn bão giá, vì “nồi cơm của gia đình” không ít bác sĩ y sau một thời gian công tác đã xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác sang làm bác sĩ điều trị.

Được xác định là bộ phận đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe của toàn dân nhưng trình độ của những người tham gia y tế dự phòng còn rất hạn chế. Số cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này có trình độ sau đại học, bác sĩ chuyên khoa II, tiến sĩ y khoa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số lượng thiếu, chất lượng yếu đang là một thách thức lớn cho ngành y tế thành phố trong các lĩnh vực như: An toàn Vệ sinh thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS, Dân số Kế hoạch hóa gia đình, y tế cơ sở…

Loay hoay tìm giải pháp cho y tế dự phòng

Nhân lực của y tế dự phòng thiếu hụt nghiêm trọng không phải là vấn đề mới, nhiều năm qua ngành y tế thành phố đã cố gắng tìm cách tuyển dụng bổ sung nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y thì nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế lương, phụ cấp ưu đãi thấp nhưng công việc lại nhiều. Trên thực tế mật độ dân số trung bình mỗi phường xã tại TPHCM lên tới trên 30.000 người, ở nội thành có phường lên tới trên 100.000 người nhưng định mức tối đa chỉ có 10 biên chế nên khó thu hút nhân sự.

Cần một cơ chế thông thoáng cho người làm công tác y tế dự phòng
Cần một cơ chế thông thoáng cho người làm công tác y tế dự phòng

Trước thực trạng “bi thảm” trên, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố đã có những đề xuất quan trọng lên UBND thành phố và Bộ Y tế nhằm cải tổ hệ thống Y tế dự phòng. Một trong những nội dung có thể tạo ra bước ngoặt là việc Sở Y tế thành phố kiến nghị Bộ cho phép nhân lực y tế dự phòng được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Bên cạnh đó là các chính sách đãi ngộ về nhà ở, hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn… để thu hút và nâng chất lượng của lĩnh vực dự phòng.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, giữa bối cảnh kinh tế khó khăn hàng loạt công trình y tế trọng điểm đã được phê duyệt từ lâu nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy. Do đó, những kiến nghị của Sở Y tế thành phố nhiều khả năng sẽ chưa được chấp thuận. Có thể, chiến lược đầu tư cho việc phòng bệnh của thành phố sẽ tiếp tục bị bỏ ngỏ. Khi đó, đối tượng phải hứng chịu hệ quả của việc “chống bệnh từ ngọn” không ai khác chính là người dân.

Vân Sơn