Bác sĩ ngồi tại viện vẫn siêu âm tim, khám bệnh cho người dân ngay tại nhà

Hải Minh

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, với trợ lý sức khỏe thông minh, bác sĩ ngồi từ xa vẫn có thể thực hiện siêu âm tim cho bệnh nhân ngay tại nhà, khám bệnh, theo dõi sức khỏe từ xa...

Chiều 16/10, trong khuôn khổ Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 17 đã diễn ra Hội thảo Triển vọng y tế từ xa trong tim mạch. Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ những ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ bác sĩ rất nhiều trong khám chữa người bệnh.

Bác sĩ ngồi tại viện vẫn siêu âm tim, khám bệnh cho người dân ngay tại nhà - 1

'"Không chỉ trong khám chữa bệnh nhân, khám bệnh tim mạch, mà trong đợt dịch Covid-19 ở miền Trung, hệ thống đã phát huy hiệu quả tuyệt vời để các bác sĩ nắm bắt thông tin về bệnh nhân nặng, đưa ra hội chẩn điều trị tốt nhất", PGS Hiếu cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, các ứng dụng Telemedicine, Telehealth, Tele-ICU, mới nhất là trợ lý sức khỏe Ourhealth hỗ trợ rất lớn trong chẩn đoán, khám chữa bệnh, nâng cao năng lực của y tế cơ sở. Bác sĩ tuyến Trung ương có thể hội chẩn bệnh nhân, thậm chí siêu âm tim, đọc kết quả từ xa... để hội chẩn.

"Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh từ xa đã phát triển từ Telemedicine sang Telehealth (tư vấn trực tuyến đa bệnh viện), tiến tới triển khai phòng khám bệnh từ xa và cuối cùng khám bệnh tại nhà người bệnh", PGS Hiếu cho biết.

Ví dụ như siêu âm tim, một kĩ thuật vốn chỉ thực hiện được tại bệnh viện, thì nay bác sĩ ngồi tại viện vẫn có thể siêu âm tim cho bệnh nhân. Với đầu dò nhỏ, phát sóng wifi, người cầm đầu dò là kỹ thuật viên. Các thông số hiển thị ngay tức thì cho phép bác sĩ đang ở tại viện nắm bắt kết quả để đưa ra đánh giá. 

Ngoài ra, theo PGS Hiếu, sự hỗ trợ của công nghệ tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát triển. Hiện nay, tại BV Đại học Y Hà Nội mỗi tuần thực hiện 2 buổi hội chẩn trực tuyến với y tế cơ sở, với 10 bệnh nhân mỗi buổi.

"Con số bệnh nhân không lớn, nhưng rất có ý nghĩa nâng cao vai trò của bệnh viện vệ tinh, người dân tin tưởng hơn khi có bác sĩ tuyến đầu hỗ trợ. Đây cũng là phương pháp để đào tạo, hướng dẫn cho bác sĩ trẻ mới ra trường, bác sĩ ở vùng sâu, vùng xa", PGS Hiếu cho biết.

Với mô hình phòng khám từ xa, bác sĩ tại bệnh viện địa phương và bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương có thể cùng khám bệnh, thảo luận và ra chung một đơn thuốc cho bệnh nhân.

"Cái khó hiện nay là bác sĩ tuyến trên chưa thể cùng ký đơn thuốc. Trong tương lai, hi vọng sẽ có sự điều chỉnh để bác sĩ sử dụng chữ kí kiện tử, chịu trách nhiệm với đơn thuốc mình đưa ra", PGS Hiếu cho biết.

Trước đó, năm 2018, Bệnh viện Đại học Y từng triển khai khám sàng lọc cho 3.000 trẻ em tại An Giang về bệnh tim. Sau khi sàng lọc, bằng các trang thiết bị tai nghe, điện tâm đồ, siêu âm có phát sóng wifi... các bác sĩ tại Hà Nội đã có kho dữ liệu khổng lồ của các trường hợp khám sàng lọc tại An Giang.

Theo đó, có 2.910 cháu bé được loại trừ, 106 cháu nghi ngờ, năm cháu khẳng định ngay mắc bệnh tim bằng công cụ tại chỗ. “Nhờ hệ thống này, chúng tôi đã phát hiện tỷ lệ mắc tim bẩm sinh một cách chính xác nhất, khoảng 0,5%. Trước đó các số liệu thường dựa trên tỉ lệ chung của bệnh tim bẩm sinh trên thế giới”, BS Hiếu nói. 

Với trợ lý sức khỏe thông minh Ourheath có thêm tính năng theo dõi bệnh nhân sau điều trị, tổng kết đánh giá tác dụng điều trị, tác dụng phụ, tránh tác dụng không mong muốn khi phối hợp các phương pháp điều trị, phối hợp các loại thuốc với nhau. "Trong tương lai, việc theo dõi bệnh nhân tại nhà với hệ thống y tế thông minh sẽ càng chuyên nghiệp hơn. Việc điều trị càng được tối ưu hóa dựa trên dữ liệu về quá trình chẩn đoán, khám, chữa trị và hiệu quả điều trị của các bệnh nhân", PGS Hiếu nhận định.

Theo đại diện Viettel, nền tảng Ourhealth sử dụng Big data (Phân tích dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo) nhằm phân tích toàn bộ thông tin bệnh án, quá trình tư vấn, chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt của bệnh nhân … nhằm ra đưa cảnh báo sớm về các chỉ số sức khỏe bất thường của người bệnh; các dấu hiệu cần cấp cứu. Nền tảng còn tích hợp kết nối 24/7 tới đường dây nóng của bệnh viện, dẫn đường đến bệnh viện cấp cứu đột quỵ gần nhất.

Trong giai đoạn đầu, ứng dụng này tập trung hỗ trợ cho các bệnh liên quan đến tim mạch, tiếp đó sẽ mở rộng nền tảng cho các bệnh lý khác như tiểu đường, suy thận, bệnh nhi khoa… và đến cuối năm 2021 cơ bản hoàn thiện hệ sinh thái y tế như bảo hiểm, nhà thuốc.