1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ kể lại hành trình 5 năm cứu chân chàng trai thối mủn lủng lẳng

Ông bố khắc khổ, gầy gò đưa cậu con trai trẻ đến BV Việt Đức cầu cứu bác sĩ khi một chân đã gãy lủng lẳng và đầy mủ. Nhưng điều kỳ diệu đã đến sau 5 năm.

Suốt 5 năm qua, hành trình tìm lại cảm giác đôi chân của bệnh nhân Đào Quang H. ở Hưng Yên có lẽ là một kỳ tích. Bác sĩ đã không chỉ cứu sống đôi chân cho em mà còn cứu cuộc đời của một con người.

Chân thối mủn do tai nạn 

Cách đây 5 năm, H. bị tai nạn xe máy, chân trái gãy hở rất phức tạp, mất xương trên lồi cầu, liên lồi cầu xương đùi và nhiễm trùng rất nặng.

Chàng sinh viên năm nhất mới 19 tuổi được bố đưa đến BV Việt Đức cầu cứu TS Trần Đức Tùng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương, lúc này cái chân đã lủng lẳng, đầy mủ. Như thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định cắt cụt chân để cứu tính mạng bệnh nhân. Tuy nhiên một quyết định khác đã khiến cuộc đời chàng trai trẻ rẽ theo hướng khác.

“Tôi nói với bố bệnh nhân - người đàn ông gầy gò và khắc khổ rằng giờ cắt bỏ cái chân thối thì nhanh lắm và bệnh nhân sẽ nhanh hồi phục để lắp chân giả. Nhưng tôi cũng nói, tôi không muốn cắt cụt chân của ai, vì suy cho cùng cũng buồn lắm, tôi muốn tìm giải pháp tốt hơn”, BS Tùng nhớ lại. 

Bác sĩ kể lại hành trình 5 năm cứu chân chàng trai thối mủn lủng lẳng - 1

Hình ảnh chân trái của bệnh nhân trên phim X-quang cho thấy gần như bị hoại tử hết phía trong (trái) và đôi chân của bệnh nhân sau 7 lần phẫu thuật.

Sau đó BS Tùng hỏi H. xem có can đảm chịu đựng đau đớn qua nhiều hoặc rất nhiều lần mổ để vẫn có thể đi được trên đôi chân cha mẹ đã sinh ra không. Ban đầu H. chần chừ suy nghĩ, định buông xuôi nhưng rồi tin tưởng, nghe theo tư vấn điều trị của bác sĩ.

Thành công bước đầu khi công tác làm tư tưởng cho bệnh nhân đã xong xuôi. Nhưng ngay sau đó, chính bác sĩ lại phải làm tâm lý cho mình.

“Tôi đã tự hỏi bản thân mình, liệu có đủ kiên trì để mổ cho em, đủ can đảm để chịu điều tiếng khi bệnh nhân của mình phải mổ đi mổ lại không. Và nếu ca mổ không thành công, gia đình bệnh nhân không hiểu, lại thắc mắc, kiện tụng... khi ấy liệu mình có đủ sức chịu đựng để đương đầu không?”, hàng loạt suy nghĩ nhảy múa trong đầu BS Tùng khi đó.

Do bệnh nhân còn quá trẻ, nghĩ “còn nước còn tát” nên bao lo lắng, trăn trở tạm gạt sang một bên. BS Tùng cùng các đồng nghiệp quyết tâm mổ chân cho H.

Từ lần mổ thứ 2, BS Tùng trực tiếp mổ cho H. Lần 1 cắt lọc chưa xong, đến lần 2, bác sĩ vẫn tiếp tục cắt bỏ các tổ chức hoại tử, nạo viêm và lấy bỏ xương chết.

BS Tùng cho biết, trường hợp của H., nếu cắt sạch phần hoại tử, chân sẽ “chết” hẳn, nên phải cắt từ từ những phần đã chết và chờ những phần nửa sống nửa chết hồi phục được chút nào hay chút đó. Cứ thế, bác sĩ cần mẫn cắt, lại chờ, lại mổ, lại hy vọng...

Hạnh phúc mỉm cười sau 5 năm 

May mắn, đến lần mổ thứ 4, chân H. đã hết nhiễm trùng, hết xương chết và cơ thối. Tuy nhiên bệnh nhân bị khuyết xương đùi và cứng khớp gối, mất gân cơ quanh đùi, đi lại hết sức khó khăn.

BS Tùng cho biết, hoàn cảnh nhà H. rất khó khăn, từ lần mổ thứ 3, bố H. không thể ở cạnh con do phải đi làm xa lấy tiền chữa bệnh cho con. Người bố nghèo chỉ kịp để lại lời nhắn cho bác sĩ qua điện thoại: “Tôi phải đi làm xa để kiếm tiền chữa bệnh cho cháu, trăm sự nhờ bác sĩ". 

Bác sĩ kể lại hành trình 5 năm cứu chân chàng trai thối mủn lủng lẳng - 2

BS Trần Hoàng Tùng.

Đặt điện thoại trên bàn, BS Tùng lại tiếp tục trăn trở, hàng loạt câu hỏi lại ập đến: Có nên tiếp tục không? Có hy vọng gì không hay sẽ tiền mất tật mang?... Cuối cùng, BS Tùng hỏi lại H. và bố một lần nữa để cả 2 quyết định. Chàng trai trẻ tiếp tục gật đầu đồng ý theo tiếp liệu trình, tiếp tục kiên cường chịu đựng những cơn đau. Vậy không cớ gì để bác sĩ không tiếp tục cố gắng.

Lần thứ 5, bệnh nhân bắt đầu được ghép xương và sau đó là lần thứ 6. Lần 6, bệnh nhân được ghép gân cơ tứ đầu đùi từ gân đồng loại của người cho chết não và gỡ dính khớp gối.

“Đây là ca ghép nhiều khó khăn trên nền khớp gối vừa dính vừa cứng. Ghép thế nào bây giờ và làm thế nào để sau ghép, khớp gối vừa gấp tốt mà không mất duỗi, vừa duỗi tốt lại không mất gấp, ghép thế nào để đủ cho nhu cầu bệnh nhân sinh hoạt hàng ngày. Thực sự là bài toán quá khó lúc bây giờ”, BS Tùng kể lại.

Sau nhiều lần hội chẩn tìm giải pháp, cuối cùng ca ghép cũng thành công. H. chính là trường hợp đầu tiên được ghép gân cơ tứ đầu đùi bằng gân đồng loại tại BV Việt Đức, sau này đã mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân khác.

Đến năm 2018, đã qua 4 năm đau đớn với 5 lần mổ, đôi chân H. đã hồi phục, đi lại tốt. Chàng trai trẻ cũng đã tốt nghiệp ĐH, ra trường đi làm. Thành công ấy khiến cả gia đình và bác sĩ đều hạnh phúc.

Cứ ngỡ cuộc đời đã bắt đầu mỉm cười với H. thì tin dữ lại ập đến. Đầu tháng 2 vừa qua, sát Tết Nguyên Đán, bố của H. lại thảng thốt gọi cho BS Tùng, vẫn giọng khắc khổ: "Bác ơi, bác mổ cho cháu tốt rồi, cháu ra trường đi làm được mấy tháng rồi và cháu... cháu lại vừa bị tai nạn gãy đúng chân bác mổ rồi "

Lần thứ 6 rồi lần thứ 7, chàng trai trẻ lại lên bàn mổ. May mắn đôi chân em đã hồi phục, H. đi làm trở lại và mới đây thông báo với BS Tùng tin vui sắp lấy vợ.

Từ một bệnh nhân có nguy cơ tàn phế, đôi chân mục ruỗng của chàng trai trẻ đã được hồi sinh nhờ bàn tay, tâm huyết của bác sĩ. Có hạnh phúc nào hơn thế!

Theo Thúy Hạnh

Vietnamnet