Quảng Trị:
Bác sĩ gom từng giọt sữa giúp trẻ sơ sinh có mẹ F0
(Dân trí) - Trong khi đang điều trị Covid-19, sản phụ bất ngờ chuyển dạ và sinh con. Do người mẹ chưa có sự chuẩn bị trước nên các bác sĩ đã liên hệ, đi gom từng giọt sữa của đồng nghiệp cho trẻ uống.
Cháu bé chào đời tại nơi điều trị Covid-19
Cách đây chỉ vài ngày, đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh Phổi tỉnh Quảng Trị đã đỡ đẻ thành công một ca sinh thường có mẹ là F0. Sản phụ là chị Hồ Thị C. (22 tuổi, người Vân Kiều) vừa từ miền Nam về Quảng Trị. Trong quá trình cách ly tập trung chị C. được phát hiện mắc Covid-19 và được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh Phổi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Liên - người chăm sóc sản phụ và cháu bé kể, khi sản phụ C. vào bệnh viện, bác sĩ tiến hành khám thì phát hiện thai nhi đã 38 tuần. Sau khi kiểm tra các dấu hiệu, bác sĩ đã đề xuất lãnh đạo bệnh viện chuyển sản phụ đến Bệnh viện đa khoa tỉnh, nơi có chuyên khoa sinh sản nhằm hỗ trợ cho sản phụ trong trường hợp sinh con.
Không lâu sau đó, sản phụ C. bất ngờ chuyển dạ. Ngay lập tức, Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh Phổi đã thông báo cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị hỗ trợ. Nhưng việc sinh nở diễn ra khá nhanh nên đội ngũ bác sĩ Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh Phổi trực tiếp xử lý.
Và niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ òa với đội ngũ y bác sĩ khi cháu bé chào đời khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.
"Khi sản phụ chuyển dạ sinh, ê kíp bác sĩ, điều dưỡng cũng có chút lo lắng. Thế nhưng, do tình huống quá cấp bách nên phải trực tiếp xử lý luôn. Mặc dù, trước đó bệnh viện đã chuẩn bị cho sản phụ ca sinh đầy đủ sự hỗ trợ của đơn vị chuyên khoa nhưng không kịp", bác sĩ Liên chia sẻ.
Do cách ly tập trung và mắc Covid-19 nên sản phụ C. hầu như chưa có sự chuẩn bị gì trước khi sinh. Để giúp sản phụ, các bác sĩ đã đi xin tã lót, áo sơ sinh và các đồ dùng cá nhân cho cháu.
Ngày chào đời, sản phụ chưa có sữa cho con bú. Để bé không bị đói, các bác sĩ lại phải liên hệ những đồng nghiệp đang nghỉ nuôi con ở nhà góp sữa cho bé uống. Đây là nguồn sữa được các bác sĩ cất trữ bằng cách đông lạnh để dành cho con mình, nhưng nghe thông tin về bé, các chị vẫn góp người vài bình cho cháu uống.
Hàng ngày, sữa được gửi đến bệnh viện, lúc vào thăm khám, các điều dưỡng lại mang sữa cho bé. Những ngày sau đó, nhờ Chi đoàn thanh niên Sở Y tế và các nhà hảo tâm hỗ trợ, cháu mới có thêm nguồn sữa ngoài.
Dành những gì tốt nhất cho trẻ và bệnh nhân
Theo bác sĩ Phạm Thị Hằng, hiện ê kíp của chị đang điều trị tại khu vực có 2 trẻ nhỏ nên gặp không ít khó khăn, vất vả, trong khi nhân lực ít nhưng phải điều trị cho nhiều bệnh nhân.
"Đối với trẻ sơ sinh, việc chăm sóc cần chú ý kỹ hơn. Có trường hợp mẹ dương tính, con âm tính, cũng có trường hợp mẹ âm tính, con dương tính nên cần phải đảm bảo an toàn và sự phát triển cho trẻ. Bác sĩ và điều dưỡng phải hướng dẫn bệnh nhân thường xuyên từ khâu vệ sinh lẫn ăn uống, sinh hoạt", chị Hằng cho biết.
Quy trình khám và điều trị cho sản phụ cũng như chăm sóc cháu bé phải đảm bảo quy định rất nghiêm ngặt. Mỗi lần bác sĩ vào phải mặc đồ bảo hộ, khi ra phải thay trang phục, khử khuẩn cẩn thận để tiếp nhận bệnh nhân khác.
Ngoài chăm sóc, điều trị cho mẹ con sản phụ C., theo chị Phạm Thị Hằng, khu vực điều trị chị đang đảm nhận còn có trường hợp bệnh nhân Ngô Thị L. (trú tại huyện Hải Lăng). Khi đang cách ly tại huyện Hải Lăng thì sản phụ sinh con và sau đó phát hiện dương tính nên được chuyển ra điều trị tại Bệnh viện phục hồi chức năng tại thị trấn Cửa Tùng. Vài ngày sau, sản phụ được chuyển vào bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh Phổi điều trị. Thời điểm bệnh viện tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân, con của chị Ngô Thị L. mới 3 ngày tuổi.
Một trường hợp khác là bệnh nhân Lê Thị T. (trú tại huyện Gio Linh) cũng trở về từ miền Nam có con mới 17 ngày tuổi dương tính với SARS-CoV-2.
"Với trường hợp cháu nhỏ dương tính nên cần phải chăm sóc, theo dõi kỹ hơn. Ngày nào bác sĩ cũng vào kiểm tra, đo SPO2 cho cháu, có ngày kiểm tra 4-5 lần. Vào ban đêm, phải dặn mẹ cháu theo dõi, nếu phát hiện có dấu hiệu gì phải báo ngay với bác sĩ", chị Hằng nói.
Theo ông Trương Huyền Trường - Giám đốc Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh Phổi tỉnh Quảng Trị, hiện đơn vị đang chăm sóc và điều trị cho 3 cháu sơ sinh, trong đó, 2 cháu có mẹ là F0 và một cháu là F0.
"Với trường hợp sản phụ chuyển dạ sinh tại bệnh viện, dù không phải chuyên khoa nhưng đội ngũ bác sĩ đã nỗ lực, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết hỗ trợ đỡ đẻ thành công cho sản phụ. Đây cũng là trường hợp khá đặc biệt, khi mẹ đang là F0. Với những sản phụ có con nhỏ, các bác sĩ, điều dưỡng phải theo dõi sát sao, kỹ lưỡng", bác sĩ Trường cho hay.
Cũng theo bác sĩ Trường, bệnh viện luôn dành những gì tốt nhất để điều trị cho các sản phụ này. Ngoài việc theo dõi, điều trị cho bệnh nhân thì chế độ ăn cho các bệnh nhân có con nhỏ cũng được chú ý, đảm bảo dinh dưỡng để họ nuôi con nhỏ. Ngoài nguồn lực của bệnh viện còn kêu gọi các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để giúp đỡ cho các trường hợp này vì hoàn cảnh của bệnh nhân rất khó khăn.
"Những bệnh nhân điều trị tại bệnh viện khá vất vả, họ vừa mắc bệnh, vừa mang tâm lý lo lắng nên các bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện vừa điều trị vừa động viên tinh thần để trấn an bệnh nhân. Khi tinh thần thoải mái thì việc điều trị sẽ chuyển biến tốt hơn", bác sĩ Trường chia sẻ.