Bác sĩ gia đình phát triển… “ì ạch”

(Dân trí) - Đi sau thế giới cả nửa thế kỷ, nhưng sự phát triển của mô hình bác sĩ gia đình tại Việt Nam còn “ì ạch”. Cơ chế chính sách tồn tại những bất cập đang là rào cản để bác sĩ gia đình có thể tiếp cận, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Bác sĩ gia đình là người vừa có chức năng dự phòng, vừa có chức năng điều trị. Trong hệ thống y tế, họ là người gần nhất với dân, giúp dân phòng tránh bệnh tật; quản lý sức khỏe cộng đồng; giải quyết ban đầu tình trạng bệnh; điều phối các chuyên khoa trong điều trị ngoại chẩn; là cầu nối giữa người bệnh và bệnh viện khi cần điều trị nội trú.

Phòng khám bác sĩ gia đình triển khai tại bệnh viện quận 2 
Phòng khám bác sĩ gia đình triển khai tại bệnh viện quận 2 

Bác sĩ gia đình đã phát triển mạnh mẽ ở các nước tiên tiến cách đây cả nửa thế kỷ, trở thành nòng cốt cho việc phòng và điều trị bệnh. Ý thức được vấn đề trên, nhiều năm qua Bộ Y tế đã chú trọng phát triển mô hình này. Tuy nhiên, nỗ lực của ngành y tế mới chỉ cho ra đời được một số văn bản quy phạm, thông tư hướng dẫn về cơ chế chính sách và bước đầu thí điểm thực hiện mô hình bác sĩ gia đình.

Tại Hội thảo tổng kết 14 năm đào tạo bác sĩ gia đình các tỉnh phía Nam, các chuyên gia cho biết từ 1994, Việt Nam đã có những manh nha về việc đưa kiến thức y học gia đình vào đào tạo tại các trường đại học y khoa. 

Đến nay, việc đào tạo bác sĩ gia đình cho Việt Nam đã được thực hiện tại 3 trường đại học gồm Y Thái Nguyên; Y Hà Nội; Y Dược TPHCM. Chuyên khoa Y học Gia đình đã đào tạo các nhóm bác sĩ chuyên khoa I; II và đào tạo sau đại học.

Phát triển sau thế giới hàng chục năm, song những áp lực trước tình trạng quá tải bệnh nhân; sự xuống cấp của cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; nguồn nhân lực hạn chế… trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn khiến Y tế Việt Nam không thể bứt phá để “đi tắt đón đầu” đối với mô hình bác sĩ gia đình.

Tại Trung tâm đào tạo Bác sĩ gia đình thuộc trường Đại học Y Dược TPHCM, sau 14 năm mới đào tạo chuyên khoa I cho hơn 100 bác sĩ, đào tạo định hướng hơn 500 người, và 23 điều dưỡng y học gia đình. Đến nay, Trung tâm mới chỉ triển khai được 6 mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, trong đó có duy nhất 1 phòng khám tư nhân. Trên cả nước, đến nay mới có 5 tỉnh thành xây dựng mô hình bác sĩ gia đình với tổng cộng 155 phòng khám.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Lê An, Trưởng Trung tâm đào tạo Bác sĩ gia đình, Đại học Y Dược, việc quản lý sức khỏe cộng đồng của bác sĩ gia đình đến nay gần như vẫn là con số không. Bác sĩ gia đình chưa có cơ chế chính sách rõ ràng, một bác sĩ gia đình được quản lý bao nhiêu bệnh nhân Bảo hiểm Y tế, thực hiện khám chữa cho bao nhiêu người bệnh.

Cần những chính sách mở cửa để bác sĩ gia đình chăm sóc sức khỏe nhân dân
Cần những chính sách mở cửa để bác sĩ gia đình chăm sóc sức khỏe nhân dân

Tại TPHCM, mô hình bác sĩ gia đình của bệnh viện quận 2 thu hút rất đông người bệnh. Tuy nhiên, theo BS Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện, bác sĩ ở các phòng khám bác sĩ gia đình đều là người đang làm việc tại các khoa phòng khác kiêm nhiệm, chưa có bác sĩ gia đình “chuyên trách”.

Cũng theo BS Khanh: “Phần lớn bệnh nhân đến phòng khám bác sĩ gia đình là do người thân giới thiệu. Người bệnh chưa nhận thức được bản chất của bác sĩ gia đình là gì, vai trò của bác sĩ gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như tác dụng của bác sĩ gia đình trong quá trình điều trị bệnh”.

Theo phân tích của ông Nguyễn Tuấn Hưng, bác sĩ gia đình tại Việt Nam phát triển ì ạch là do còn tồn tại nhiều bất cập liên quan đến cơ chế chính sách. Chính nhận thức của các nhà lãnh đạo còn chưa hiểu một cách đúng đắn về bác sĩ gia đình nên chưa coi trọng phát triển mô hình này dẫn tới thiếu những chính sách mở, đầu tư trang thiết bị và nhân lực chưa tương xứng với nhu cầu phát triển.

Liên quan đến định hướng phát triển của mô hình bác sĩ gia đình trong thời gian tới, ông Tuấn Hưng cho rằng: Nhà nước, Bộ Y tế cần sửa đổi bổ sung, thể chế hóa các chính sách đối với bác sĩ gia đình để mô hình này trở thành mũi nhọn tiên phong trong việc phòng và điều trị bệnh cho nhân dân.

Vân  Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm