1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bác sĩ gia đình: Giải pháp căn cơ cho ngành y tế

(Dân trí) - Chúng ta nghe nói nhiều đến hệ thống bác sĩ gia đình nhưng hệ thống này có thực sự cần thiết hay cũng chỉ như y tế cơ sở đang rất yếu hiện nay? Dưới đây là bài viết của TS.BS Trần Bá Thoại về vấn đề này.

Mô hình bác sĩ gia đình có từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Đầu tiên là ở Mỹ và Anh sau đó nhân rộng ra các nước khu vực châu Âu, bắc Mỹ rồi lan ra khắp thế giới.

Ở Canada có hơn 50% dân số được chăm sóc bởi các bác sĩ gia đình. Còn ở Mỹ tỷ lệ là trên 35% nên các bệnh viện của họ không bao giờ quá tải.

Ở Việt Nam, từ năm 2000, Bộ Y tế đã cho phép thành lập thêm chuyên khoa mới Y học gia đình tại ba trường đại học: Y Hà Nội, Y Thái Nguyên và Y Dược TP.HCM, nhưng cho đến nay vẫn còn “loay hoay” xây dựng mô hình, đường lối, chính sách…nên chưa phát huy hiệu quả.

Bác sĩ gia đình: Giải pháp căn cơ cho ngành y tế - 1

Nhận diện hệ thống bác sĩ gia đình?

Bác sĩ gia đình là bác sĩ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người bệnh như là thành viên của “gia đình” họ. Do đó, ngoài chăm sóc y tế một cách liên tục và toàn diện, người bác sĩ gia đình còn phát triển mối quan hệ lâu dài và bền vững với bệnh nhân.

Để là một bác sĩ gia đình đúng nghĩa, trước hết phải là bác sĩ đa khoa, hiểu biết cả nội, ngoại, sản, nhi, lây nhiễm… Ngoài kiến thức chuyên môn, bác sĩ gia đình cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế… để có thể hành nghề vượt ngoài phạm trù y tế, chăm sóc điều trị bệnh mà còn có thể tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, hỗ trợ về tâm lý và về mặt xã hội. Cũng nhờ có kiến thức đa khoa, bác sĩ gia đình biết chính xác chuyên khoa nào cần thiết để hướng dẫn bệnh nhân khám đúng bệnh, đúng lúc. Ví dụ với người lớn tuổi, bác sĩ gia đình, sẽ để ý các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, thoái hóa xương khớp…; phụ nữ mang thai cần theo dõi sức khỏe thai kỳ, chế độ ăn cho sản phụ.., trẻ em như chăm sóc trẻ sơ sinh, chu sinh, chủng ngừa vacxin, chế độ dinh dưỡng…

Bệnh nhân được hưởng lợi những gì?

Nhờ các BSGĐ có sẵn hồ sơ bệnh lý, nắm biết rõ bệnh sử (được quản lý trong bệnh án có cây phả hệ gia đình), nên việc xử trí bệnh sẽ nhanh chóng, đúng đắn và sát sao hơn. Bác sĩ gia đình cũng đưa ra dự báo nguy cơ phát bệnh, phương cách dự phòng, và các biện pháp can thiệp để nâng cao sức khỏe các thành viên trong gia đình một cách phù hợp nhất.

Mô hình bác sĩ gia đình có từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Đầu tiên là ở Mỹ và Anh sau đó nhân rộng ra các nước khu vực châu Âu, bắc Mỹ rồi lan ra khắp thế giới, hệ thống bác sĩ gia đình đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cả cộng đồng. Hiệp hội bác sĩ gia đình thế giới đã được thành lập năm 1972, đến nay đã có khoảng 100 quốc gia thành viên tham dự.

Ở Canada có hơn 50% dân số được chăm sóc bởi các bác sĩ gia đình. Còn ở Mỹ tỷ lệ là trên 35% nên các bệnh viện của họ không bao giờ quá tải.

Mô hình bác sĩ gia đình cũng đã được áp dụng thành công ở các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Philippine…

Hệ thống bác sĩ gia đình ở nước ta

Theo PGS.TS Lê Hoàng Ninh, Trung tâm Đào tạo BSGĐ, Đại học Y dược TPHCM, từ năm 2000, Bộ Y tế đã cho phép thành lập thêm chuyên khoa mới Y học gia đình tại ba trường đại học: Y Hà Nội, Y Thái Nguyên và Y Dược TP.HCM. Riêng TPHCM, Trung tâm đào tạo BSGĐ thuộc ĐH Y dược TPHCM đã được thành lập vào năm 2002, có chức năng đào tạo BSGĐ cho khu vực phía Nam và đã tuyển sinh đào tạo khóa đầu tiên (2002-2004) được 17 bác sĩ.

Tại TPHCM, có hai hình thức mà người ta quen gọi là bác sĩ gia đình: (1) là những bác sĩ nhận bệnh qua điện thoại, đến tận nhà bệnh nhân để khám bệnh, kê đơn thuốc và (2) là các công ty tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ y tế có các gói dịch vụ bác sĩ gia đình để theo dõi và chăm sóc sức khỏe tận nhà cho bệnh nhân.

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, trưởng bộ môn Bác sĩ gia đình Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, BSGĐ phải là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh và phải có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh nên biết rõ vấn đề sức khỏe của từng người bệnh trong hoàn cảnh, lối sống, gia đình và cộng đồng của họ, cho nên những hình thức trên chưa đúng hẳn một BSGĐ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, khi đi kiểm tra mô hình Bác sĩ gia đình tại một số phòng khám trên địa bàn thành phố HCM năm 2015 cũng đã thẳng thắn nhìn nhận “Mô hình bBác sĩ gia đình ở nước ta còn mới nên chưa được quan tâm, đầu tư tương xứng, hoạt động còn tản mạn, nhiều hạn chế bất cập, hiệu quả chưa cao”.

Ở Hà Nội, một số bệnh viện có tổ chức hệ thống Bác sĩ gia đình với kiểu “gói dịch vụ Bác sĩ gia đình” để theo dõi và chăm sóc sức khỏe tận nhà cho bệnh nhân. Đến nay, số phòng khám, bệnh viện có mô hình bác sĩ gia đình hoạt động độc lập mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm 2015, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết: “Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại, một số phòng khám bác sĩ y học gia đình còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác”; “việc cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình còn gặp khó khăn nên các đơn vị triển khai bác sĩ gia đình cán bộ tham gia chưa có chứng chỉ hành nghề dẫn đến chưa được cấp phép thành lập phòng khám”.

Theo kế hoạch trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2020, Sở Y tế các thành phố sẽ có mô hình chuẩn phòng khám bác sĩ gia đình. Mô hình này được triển khai đến 100% trạm y tế phường, xã và các phòng khám tư nhân. Sở cũng sẽ hoàn thiện việc xây dựng các biểu mẫu khám, xét nghiệm và chuyển bệnh viện; xây dựng mạng quản lý thông tin, bệnh án điện tử, hệ thống chuyển bệnh viện cũng như các thủ tục thanh toán bảo hiểm y tế cho người bệnh.

Đôi điều bàn luận

Hệ thống y tế gia đình là một giải pháp căn cơ, khoa học và thực tế đã được áp dụng thành công ở các nước Âu, Mỹ tiên tiến. Không ai bàn cãi gì về sự tiện dụng, hợp lý mà hệ thống Bác sĩ gia đình này mang lại.

Ở Việt Nam, hai vấn đề y tế “nổi cộm”, cần cấp bách giải quyết hiện nay là (1) sự quá tải bệnh viện vô cùng trầm trọng, ở nhiều bệnh viện lớn, ngay ở trung tâm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, người bệnh vẫn còn nằm đôi, nằm ba và cả nằm dưới đất và (2) nhân lực ngành y quá thiếu, hiện nay chúng ta chỉ có gần 7,5 bác sĩ/vạn dân, trong khi Philippine, Trung Quốc, Brunei, Singapore có 15-20 và các nước phát triển có đến 30 bác sĩ/ vạn dân, trong khi việc đào tạo cần phải có tài chánh và thời gian mới đảm bảo đủ số lượng và chất lượng được. Thiết nghĩ, nếu nhanh chóng vận hành hệ thống y học gia đình theo định hướng thị trường của nó chắc chắn chúng ta tháo gỡ được hai vấn đề “vướng mắc” nêu trên.

Đi sau thế giới cả nửa thế kỷ, nếu cứ còn “loay hoay” xây dựng mô hình, đường lối, chính sách thì còn lâu mới theo kịp thế giới và người dân sẽ còn đau khổ và chê trách dài dài.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội NỘI TIẾT VIỆT NAM