Bác sĩ “chạy trước tử thần” cứu ca ngộ độc dạ dày cá mặt thỏ

Vân Sơn

(Dân trí) - Chỉ ít phút sau khi vào viện, bệnh nhân đã rơi vào hôn mê sâu, nguy cơ tử vong cận kề. Các bác sĩ đã đưa ra quyết định táo bạo, thực hiện lọc máu hấp thụ chủ động để loại bỏ độc tố.

Chậm vài phút đã cầm chắc cái chết

Sau 5 ngày đối mặt với tử thần vì tình trạng ngộ độc cấp, chiều 22/9 nam bệnh nhân N.T.Q. 40 tuổi đã tỉnh táo hoàn toàn, đủ điều kiện để xuất viện.

BS Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Quận 2, TPHCM cho biết các chỉ số sinh hiệu, lực cơ, thần kinh, gan, thận… của bệnh nhân đều trở về trạng thái bình thường. Đến thời điểm hiện tại bệnh nhân đã đi lại, ăn uống, sinh hoạt bình thường, không ghi nhận bất kỳ biến chứng nào liên quan tới tình trạng ngộ độc bệnh nhân phải đối mặt.

Tỉnh lại trên giường bệnh, anh N.T.Q. gửi lời cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực và kịp thời can thiệp cứu sống sinh mạng của anh. Người bệnh cho biết, dạ dày cá mặt thỏ là món ăn anh thường dùng. Tuy nhiên, không hiểu vì sao buổi trưa trước khi nhập viện anh chỉ ăn duy nhất một cái dạ dày cá đã bị tê lưỡi, tê miệng, tê liệt mặt, nôn ói, đau ngực… sau khoảng 15 phút sử dụng.

Bác sĩ “chạy trước tử thần” cứu ca ngộ độc dạ dày cá mặt thỏ - 1
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch phải đặt máy thở

Theo BS Từ Kim Thanh bệnh nhân vào viện cấp cứu trong tình trạng còn tiếp xúc được, sau khi cung cấp thông tin về việc vừa ăn dạ dày cá mặt thỏ thì gặp biểu hiện bất thường. Thời điểm từ khi bệnh nhân ăn dạ dày cá mặt thỏ đến khi nhập viện khoảng 45 phút. Khoảng 10 phút sau, trong lúc bác sĩ đang ghi hồ sơ bệnh án, làm thủ tục hành chính thì người bệnh có diễn tiến đột ngột rơi vào hôn mê, liệt toàn thân, mất tri giác, suy hô hấp cấp (SpO2 khoảng 20%) phải đặt nội khí quản hỗ trợ thở máy.

Nếu vào viện trễ khoảng 5 đến 7 phút, người bệnh có thể đã tử vong. Trường hợp may mắn được cứu sống thì bệnh nhân cũng sẽ bị chết não vì thiếu oxy nghiêm trọng.

Đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận ngộ độc do ăn dạ dày cá mặt thỏ. 

Bác sĩ hành động sớm cứu mạng bệnh nhân

Bác sĩ Kim Thanh cho biết bệnh nhân có ăn một loại cá lạ, triệu chứng diễn tiến bệnh giống tình trạng ngộ độc thần kinh do Tetrodotoxin có trong con so biển, cá nóc và một số loài khác. Độc tố này không có thuốc đối kháng, không có thuốc giải độc.

Thông thường bệnh nhân ngộ độc Tetrodotoxin sẽ được theo dõi, điều trị triệu chứng từ 24 đến 48 giờ. Nếu bệnh nhân qua được nguy kịch sẽ bắt đầu có tri giác, cử động nhẹ tay chân. Bệnh nhân chỉ được lọc máu khi rơi vào tình trạng suy gan, suy thận.

Bác sĩ “chạy trước tử thần” cứu ca ngộ độc dạ dày cá mặt thỏ - 2
Các bác sĩ đã quyết định lọc máu hấp phụ sớm một bước cho người bệnh

Tuy nhiên, với bệnh nhân này, các bác sĩ đã quyết định sử dụng phương pháp lọc hấp thụ sớm. Sau khoảng 4 giờ lọc máu bệnh nhân đã đáp ứng với kích thích, cử động tay chân… Điều đó cho thấy, việc lọc máu hấp thụ đáp ứng tốt. Sau khi lọc xong quả lọc hấp thụ thứ hai, bệnh nhân đã tỉnh, cai được máy thở, sức khỏe bình phục tốt.

"Quyết định này đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Từ nguy cơ tử vong tức thời, bệnh nhân nhanh chóng vượt qua nguy hiểm, bình phục hoàn toàn, không để lại di chứng”, BS Kim Thanh nói. 

Bác sĩ “chạy trước tử thần” cứu ca ngộ độc dạ dày cá mặt thỏ - 3

Hiện bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, không ghi nhận biến chứng, đủ điều kiện xuất viện

BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho biết với những trường hợp có biểu hiện ngộ độc, người dân cần đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để tận dụng thời gian vàng cứu chữa người bệnh.