1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

Bác sĩ bỏ việc vì đồng lương “chết đói”

(Dân trí) - Hàng loạt bác sĩ đang “ngán ngẩm” với nghề vì đồng lương quá thấp, không có thu nhập tăng thêm ngoài giờ. Ngoài đồng lương không đủ sống, bác sĩ còn đối mặt với nhiều áp lực, rủi ro bởi môi trường làm việc thiếu thốn đủ bề.

Bác sĩ cũng “phát bệnh” vì thiếu đủ bề

Ngày 10/4, ban Văn hóa Xã hội (Hội đồng Nhân dân thành phố) liên tiếp có 2 cuộc làm việc với bệnh viện Tâm thần và Trung tâm Cấp cứu 115 để lắng nghe và tìm giải pháp tháo “ngòi nổ” cho hàng loạt khó khăn đang diễn ra.

Môi trường làm việc hạn chế, nhiều áp lực khiến y bác sĩ không phát huy được tay nghề
Môi trường làm việc hạn chế, nhiều áp lực khiến y bác sĩ không phát huy được tay nghề

BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc bệnh viện Tâm thần, cho hay: Đến nay, cả 3 cơ sở của bệnh viện đều không đáp ứng yêu cầu tối thiểu trong khám chữa bệnh của người dân, từ diện tích đến cấu trúc xây dựng, cơ sở vật chất… người mắc bệnh tâm thần đã khổ, cơ sở điều trị lại thiếu thốn gây khó khăn trong phục hồi chức năng tâm thần, điều trị tâm lý, vận động…

Cơ sở chính của bệnh viện trên đường Võ Văn Kiệt chỉ có 1.700m2 với công suất 50 giường nhưng phải kê cả trăm giường bệnh. Cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, áp lực giường bệnh khiến bệnh viện phải cho bệnh nhân xuất viện sớm, nhiều trường hợp lẽ ra cần điều trị thêm nhưng buộc phải xuất viện.

Riêng cơ sở tại Lê Minh Xuân (Bình Chánh) với thiết kế ban đầu vào năm 2007 là 50 giường/ khoa nhưng hiện nay do quá đông bệnh nhân đã lên đến 120 giường/ khoa. Cơ sở hạ tầng có hạn, nhưng giường thì kê thêm vô hạn khiến môi trường điều trị chật chội, ngột ngạt, đến bác sĩ cũng muốn phát bệnh, chưa nói tới bệnh nhân.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Trung tâm Cấp cứu 115. Trong năm qua, trung tâm tiếp nhận hơn 20.000 cuộc gọi cấp cứu. Tuy nhiên, trung tâm cấp cứu chỉ có 11 xe cứu thương, trong đó 6 xe đã cũ. BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho hay: Sở Y tế đã nhiều lần đề xuất mua thêm xe cứu thương để đáp ứng tối đa việc tiếp cận hiện trường nhanh nhất, cứu chữa bệnh nhân hiệu quả nhất. Tuy nhiên, kiến nghị của Sở Y tế không được Sở Tài chính đồng thuận.

Bác sĩ chán nản bỏ việc vì lương quá thấp

Đề cập tới vấn đề tiền lương của các y bác sĩ, người đứng đầu bệnh viện Tâm thần bùi ngùi: theo cơ chế tự chủ về mặt tài chính, nguồn ngân sách của thành phố cấp cho bệnh viện đang ngày càng bị cắt giảm (năm 2017 còn 39 tỷ đồng). Thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên y tế tại bệnh viện hiện chỉ còn 3 triệu đồng/ tháng.

Trung tâm cấp cứu 115 đã phủ khắp thành phố, nhưng nhân sự ở đầu não lại bỏ nghề
Trung tâm cấp cứu 115 đã phủ khắp thành phố, nhưng nhân sự ở "đầu não" lại bỏ nghề

Trong khi lượng bệnh nhân tâm thần mỗi năm tăng khoảng 15% thì bác sĩ của bệnh viện ngày càng hụt dần. Ngoài thu nhập chính, bác sĩ gần như không có thu nhập thêm sau giờ làm, trong khi thời giá cái gì cũng tăng khiến đời sống vô cùng khó khăn. Đồng lương quá thấp, công việc nhiều áp lực, chúng tôi khó tuyển được bác sĩ mới, nhiều người công tác lâu năm nay đã cận kề tuổi hưu, cứ đà này, vài năm nữa bệnh viện sẽ không còn người làm việc.

Tình trạng thu nhập thấp trở căng thẳng tại Trung tâm Cấp cứu 115. Người thu nhập thấp nhất chỉ có 1,6 triệu đồng, bác sĩ trung bình cũng chỉ có 4 đến 6 triệu đồng mỗi tháng. Đặc thù của cấp cứu công việc rất căng thẳng lại phải tiếp cận với những môi trường làm việc nguy hiểm nhưng lương không đủ sống nên năm 2017 tại đây có tới 23 người nghỉ việc, khó tuyển thêm người mới.

Ban Văn hóa Xã hội đã ghi nhận những thực tế đặc biệt khó khăn tại 2 cơ sở y tế trên. Bên cạnh việc đề nghị Sở Y tế cần có những giải pháp chủ động hơn tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, đề nghị người đứng đầu 2 đơn vị báo cáo cụ thể những khó khăn, các giải pháp kiến nghị để thành phố xem xét.

Vân Sơn