Bác sĩ Anh: 60.000 bệnh nhân ung thư có thể chết vì Covid-19
(Dân trí) - “Mặc dù Covid-19 đã chiếm trọn trang nhất của các báo tại Vương quốc Anh, nhưng mọi người lại quên một sự thật rằng, mỗi ngày vẫn có đến 450 người Anh chết vì căn bệnh ung thư", bác sĩ này nhấn mạnh.
“Mặc dù Covid-19 đã chiếm trọn trang nhất của các báo tại Vương quốc Anh, nhưng mọi người lại quên một sự thật rằng, mỗi ngày vẫn có đến 450 người Anh chết vì căn bệnh ung thư”, đây là nhận định của BS Karol Sikora, Trung tâm Ung thư Rutherford, Vương quốc Anh. Ông cũng chia sẻ thêm: “Trong suốt 50 năm chiến đấu với ung thư. Chúng tôi đã chiến thắng nhiều trận đánh, nhưng ngược lại chúng tôi cũng đánh mất không ít bệnh nhân. Ung thư không hề quan tâm đến virus SARS-CoV-2. Nó là một con quỷ không có lòng thương hại. Cuộc chiến với ung thư diễn ra không ngừng nghỉ và rất cam go, trong khi thứ chúng ta đạt được nhiều lúc chỉ là kìm hãm tốc độ phát triển của khối u, để giúp bệnh nhân có thêm nhiều thời gian hơn với gia đình”.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia ung bướu, BS Karol Sikora đang cảm thấy hết sức quan ngại khi dịch Covid-19, khiến mọi người ngại đến Bệnh viện để tầm soát, chẩn đoán sớm ung thư và thậm chí ngay cả những bệnh nhân ung thư cũng đã xin tạm ngừng hóa, xạ trị vì e ngại dịch bệnh.
“Tháng 4 hàng năm, chúng tôi thường tiếp nhận trên dưới 30.000 người đến chẩn đoán ung thư. Còn bây giờ, tôi sẽ rất kinh ngạc nếu chúng tôi thực hiện chẩn đoán được trên 5000 bệnh nhân vào tháng này” - BS Karol Sikora chia sẻ về thực trạng hiện tại.
Theo vị BS này, chẩn đoán sớm ung thư là điều rất quan trọng trong việc chống lại căn bệnh quái ác này. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại không ai muốn đến những nơi đông người, đặc biệt là bệnh viện. Điều này cũng cũng đồng nghĩa với việc hàng ngàn người sẽ không biết rằng mình đang mắc ung thư. “Một nhóm các bác sĩ ung bướu, trong đó có cả tôi ước tính rằng, 60.000 bệnh nhân ung thư có thể chết vì sự thiếu hụt các công tác chẩn đoán và điều trị do dịch Covid-19”.
Bản thân BS Karol Sikora cũng đồng tình với quan điểm, một số liệu trình điều trị ung thư nên tạm ngưng trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, bởi khả năng làm suy yếu hệ miễn dịch của các phương pháp này có thể khiến bệnh nhân tăng rủi ro với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, đối với một số lượng không nhỏ các ca bệnh, việc tạm ngưng điều trị hơn 1 tháng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tiên lượng của bệnh nhân.
BS Karol Sikora nói: “Tôi nghĩ rằng, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) nên có một giải pháp ưu việt hơn, để đáp ứng với lượng bệnh nhân Covid-19 ngày càng đông, ví dụ như xây thêm bệnh viện dã chiến hoặc kêu gọi sự tham gia của các bệnh viện tư nhân, để có thể cho các cơ sở y tế đặc thù, như trung tâm ung thư của chúng tôi, được trở về hoạt động theo đúng chuyên khoa vốn có”.
“Chúng tôi hiện có đến 3 trung tâm điều trị công nghệ cao, có thể thực hiện phương pháp chiếu tia proton (một trong những phương pháp xạ trị tiên tiến nhất hiện nay) cho hàng trăm bệnh nhân ung thư. Nhưng vì dịch Covid-19, những vũ khí tốt nhất mà chúng tôi có cho các bệnh nhân ung thư của mình lại trở nên vô dụng”.
Theo bác sĩ Bệnh viện K, khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư có ý nghĩa vô cùng quan trọng,1/3 số ung thư nếu biết cách phòng bệnh có thể không mắc; 1/3 số ung thư còn lại nếu được sàng lọc và phát hiện sớm có thể khỏi hẳn; như vậy chỉ còn 1/3 trường hợp buộc phải điều trị và sống chung với ung thư.
Minh Nhật
Theo ITV