Bắc Giang: Trẻ 2 tháng tuổi bị tim bẩm sinh tử vong sau tiêm phòng
(Dân trí) - Ngày 24/4, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, ca tử vong của bé gái 2 tháng tuổi sau tiêm vắc xin Quinvaxem tại Bắc Giang được xác định do trùng hợp ngẫu nhiên, không phải do vắc xin. Bé bị tim bẩm sinh đã có chỉ định mổ tại BV E Hà Nội
Theo báo cáo từ Sở Y tế Bắc Giang gửi đến Cục Y tế dự phòng, sáng 21/4 bé Đinh Thị Hương Giang (2 tháng tuổi) đến trạm y tế xã Mai Trung tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. Tại thời điểm tiêm, qua khám sàng lọc bệnh nhi không sốt, không có bệnh lý hô hấp nên được chỉ định tiêm vắc xin 5 trong 1.
Sau khi tiêm, tối cùng ngày, bé Giang có biểu hiện sốt cao, khó thở, lơ mơ. Khoảng 6h ngày 22/4, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa huyện Hiệp Hòa cấp cứu nhưng bệnh nhi đã tử vong trước khi đến viện.
Hội đồng chuyên môn do Sở Y tế Bắc Giang, chuyên gia của BV Nhi Trung ương, BV Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tìm hiểu nguyên nhân và xác định bệnh nhi tử vong không phải nguyên nhân vì vắc xin mà do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh tim bẩm sinh và hẹp động mạch chủ của cháu bé. Trước đó, cháu bé đã được gia đình đưa đến BV E Hà Nội để đăng kí mổ tim bẩm sinh.
Theo báo cáo, tại thời điểm bé gái được đưa đến tiêm, công tác khám sàng lọc đã được thực hiện. Tuy nhiên với bệnh tim bẩm sinh ở trẻ nhỏ rất khó phát hiện bằng khám sàng lọc thông thường mà thường được phát hiện tại bệnh viện, nhờ các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm tim, điện tâm đồ.
TS Phu cho biết, vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib (Hàn Quốc) sản xuất và Tổ chức Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng GAVI tài trợ do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cung ứng. Loại vắc xin này đã được sử dụng trên 400 triệu liều ở 90 nước trên thế giới. Vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO kiểm nghiệm và cho phép lưu hành. Tại Việt Nam, vắc xin được kiểm định trước khi cho lưu hành.
Theo Bộ Y tế, vắc xin là để phòng bệnh tuy nhiên không vắc xin nào an toàn tuyệt đối, cũng giống như thuốc khi vào cơ thể có thể sẽ có những phản ứng không mong đợi tùy thuộc vào cơ địa trẻ. Các phản ứng thông thường nhất là sưng đau tại chỗ sau tiêm, sốt nhẹ, trẻ khó chịu… nhưng thường tự hết sau 1 - 2 ngày tiêm vắc xin. Còn phản ứng nghiêm trọng như sốc rất ít xảy ra.
TS Phu dẫn chứng, có những trường hợp tiêm chung một lô vắc xin, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vắc xin nhưng có phản ứng nghiêm trọng, có trẻ bình thường, đó là do cơ địa mỗi người khác nhau. Nhưng kết quả tiêm vắc xin đều an toàn, rất hiếm biến chứng nghiêm trọng, tỉ lệ phản ứng nặng thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất.
Thực tế 95% trẻ được tiêm vắc xin Quinvaxem là an toàn. Vì thế, ông Phu bày tỏ mong muốn các bậc cha mẹ cần tin tưởng vào chương trình TCMR. Mọi vắc xin trong TCMR hay tiêm dịch vụ đều được kiểm định bởi một cơ quan và đảm bảo an toàn trước khi đưa ra thị trường. Bộ Y tế vẫn đang làm quyết liệt để đảm bảo an toàn tiêm chủng, đặc biệt tăng cường kiểm tra giám sát. Tăng cường thực hiện đúng quy trình tiêm chủng từ tư vấn, sàng lọc trước tiêm, tiêm và đặc biệt là theo dõi của gia đình với đứa trẻ chặt chẽ, có biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị, tỉ lệ tai biến sẽ giảm đi.
“Cha mẹ cần có trách nhiệm cùng ngành y tế theo dõi trẻ trong suốt quá trình từ khi đưa trẻ đi tiêm, thông báo tiền sử dị ứng, bệnh lý (nếu có), quan tâm đến tuổi tiêm chủng để đưa trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch, theo dõi trẻ sau tiêm tại điểm tiêm chủng 30 phút, tiếp tục theo dõi tại nhà để kịp thời phát hiện những phản ứng không mong muốn. Nếu trẻ sốt cao, quấy khóc, khóc thét, khó thở… hãy đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời kiểm tra, can thiệp. Tuy nhiên tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, các phản ứng chủ yếu sau tiêm là phản ứng nhẹ không phải can thiệp y tế và sẽ tự khỏi. Các gia đình cần cùng cán bộ y tế giám sát, theo dõi trẻ để đảm bảo an toàn tiêm chủng, đảm bảo trẻ được tiêm và phòng bệnh tốt nhất”, TS Phu khuyến cáo.
Tú Anh