“Bà bầu” uống thuốc bổ vô tội vạ nguy hiểm như thế nào?
(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, nhiều phụ nữ khi vừa mang thai lập tức uống thuốc bổ vô tội vạ để “không bổ ngang cũng bổ dọc” cho trẻ thông minh. Thực tế, việc lạm dụng quá nhiều các loại thuốc bổ có thể khiến bà bầu mệt mỏi, táo bón, tăng gánh nặng cho gan.
Tại buổi toạ đàm “Nguồn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và sau sinh” vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS Ánh không khuyến khích các bà bầu tự ý sử dụng các loại thuốc bổ. Thậm chí, ngay cả việc kê đơn cũng cần đến bác sĩ chuyên khoa sản, dinh dưỡng để được kê đơn.
Với những phụ nữ mang thai, từ xưa người ta đã chia ra các giai đoạn từ quý 1, quý 2, quý 3, thời kỳ sau sinh. Đây là những thời kỳ hết sức quan trọng với sức khỏe của người mẹ và bào thai.
“Thực tế nhiều đơn thuốc chúng tôi nhìn thấy hàng ngày không đạt yêu cầu, chưa phù hợp cho phụ nữ mang thai. Bởi cứ có thai là bác sĩ, bà bầu uống 1 viên sắt, 1 viên canxi, 1 viên thuốc bổ tổng hợp, trong khi mỗi giai đoạn của thai kỳ lại có những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau”, PGS Ánh nói.
Ông Ánh phân tích thêm, 3 tháng đầu của thai kỳ, uống canxi là không cần thiết bởi lúc này khung xương chưa phát triển, mới chỉ là giai đoạn phôi thai. Lúc này, chất quan trọng nhất là axit folic, ngăn ngừa các dị tật ống thần kinh và có đến 85% phụ nữ mang thai có biểu hiện ốm nghén, nên chỉ cần bổ sung axit folic, và ăn gì để giảm tình trạng ốm nghén.
Trong khi đó, ở giai đoạn 2 bắt đầu tăng nhu cầu sắt, can xi nhưng chưa mạnh mẽ bằng giai đoạn 3. Lúc này bổ sung sắt và canxi rất quan trọng để phát triển bộ xương, lúc này khung xương phát triển và trẻ có thể tăng tăng 700gram-1000gram/tháng. Sau sinh, mẹ cần rất nhiều canxi, vitaminD vì canxi dễ mất qua sữa mẹ.
Thế nhưng thực tế các đơn thuốc đều kê na ná nhau, cho các sản phụ ở bất cứ giai đoạn nào đều giống nhau như trên. Rồi các mẹ tự uống vitamin với quan niệm “không bổ ngang cũng bổ dọc”, mong muốn trẻ được bồi bổ, thông minh, phát triển từ giai đoạn bào thai.
“Có sản phụ dùng đơn thuốc dài nửa trang giấy, không tốt cho bà bầu và cũng không tốt cho đứa trẻ. Khi sử dụng quá nhiều thuốc bổ sung, thừa sẽ gây mệt mỏi cho gan vì phải thải độc, tiêu hoá, táo bón, căng thẳng thần kinh”, PGS Ánh nói.
“Bởi vậy, từ rất lâu rồi, chúng tôi ước mơ có viên thuốc hợp với từng giai đoạn. Thai ở giai đoạn đầu nó như cái mầm, như hạt đớn, chưa có xương rồi to dần như con nòng nọc, 12 tuần mới là một người thu nhỏ có đủ xương, thân mình”, PGS Ánh tiếp lời.
Vì vậy, bác sỹ Ánh khuyến cáo, với phụ nữ mang thai ngoài siêu âm cần đi khám thai định kỳ để được sử dụng thuốc, vitamin bổ sung phù hợp theo giai đoạn của thai kỳ.
“Nhu cầu bổ sung dinh dưỡng ở mỗi giai đoạn thai kỳ là khác nhau. Mục tiêu bổ sung dinh dưỡng, vitamin là để phù hợp với người phụ nữ mang thai, cần đâu sử dụng đến đó để không gây ra tình trạng thiếu, thừa đều không tốt cho thai phụ và em bé”, PGS Ánh khuyến cáo.
Tại buổi toạ đàm, BS Nguyễn Hoàng Anh (nguyên giảng viên Đại học Y Hà Nội) cũng chia sẻ, bà nhận được nhiều băn khoăn của các mẹ nên ăn gì, bổ sung gì khi mang thai để em bé phát triển tốt nhất.
“Thông thường, khi người phụ nữ biết có thai, thai nhi đã hình thành trước đó 2 – 3 tuần. Đây là giai đoạn quan trọng hình thành khép kín ống thần kinh, chất dinh dưỡng quan trọng là axit folic. Vì thế, thời điểm trước khi mang thai phụ nữ cũng được khuyên bổ sung chất này. Ngoài thuốc bổ sung, trong thực phẩm hàng ngày có nhiều thực phẩm chứa axit folic như nước cam. Nhưng người phụ sản chưa biết nên không có ý thức cung cấp cho mình.
Hay việc ăn 3 quả trứng ngỗng cùng một ngày để con thông minh là không cần thiết, đó là nhận thức sai lầm, gây áp lực cho người phụ nữ khi đang nghén mà phải “nhắm mắt nhắm mũi” ăn trứng ngỗng.
Trong quá trình mang thai, mỗi giai đoạn có nhu cầu về dinh dưỡng riêng và không chỉ riêng dinh dưỡng mà người mẹ cần phòng ngừa bệnh viêm nhiễm, điều hoà tinh thần tốt.
Hồng Hải