Aslem: Thuốc điều trị ung thư giá rẻ?

(Dân trí) - Những ngày gần đây, sau khi có thông tin về thuốc Aslem có khả năng kích ứng miễn dịch, kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư và một số bệnh suy giảm miễn dịch khác, nhiều người đã đổ xô đi tìm mua...

Đổ xô đi mua Aslem

 

Nghe quảng cáo giá thành rẻ, hiệu quả điều trị tốt đã khiến rất nhiều người bệnh ung thư đổ xô đi mua loại thuốc này. Dù nhiều nhà thuốc tăng giá vì nhu cầu mua tăng lên nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ tiền gấp hai lần giá bán để mua được loại thuốc này. Hiện, giá mua là khoảng 250.000-290.000 đồng/hộp. Còn trước đó, giá Aslem chỉ 200.000 đồng/hộp. Trong khi đó, khoảng giữa năm 2007, Aslem chưa đến 100.000 đồng/hộp.

 

Gặp anh Ng.T.Kiên (TP Vinh, Nghệ An) tại một hiệu thuốc trên phố Ngọc Khánh… mua liền 4 hộp thuốc Aslem để gửi về cho mẹ anh tại Nghệ An, anh tâm sự: “Mẹ tôi bị ung thư gan giai đoạn cuối, bệnh viện đã trả về. Dù biết khó còn cách cứu chữa, nhưng tôi hi vọng loại thuốc này sẽ giúp bà khoẻ hơn, thoải mái hơn và thấy ấm áp trong sự quan tâm của con cái trong những ngày cuối đời. Tuy nhiên tôi cũng không khuyến khích tiêm nhiều thuốc này cho mẹ vì tiêm rất đau, nhất là bà đã quá gầy yếu, chỉ tiêm khi bà muốn để khích lệ bà”.

 

“Không chữa được bệnh ung thư”

 

Đó là lời khẳng định TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K, Phó Viện trưởng viện nghiên cứu Ung thư. Để điều trị ung thư vẫn phải tuân theo 3 phương pháp truyền thống là phẫu thuật, hóa chất hoặc xạ trị.

 

TS Thuấn cho biết, Bệnh viện K đã tiến hành nghiên cứu về thuốc Aslem trong 4 năm từ 2001 - 2004, trên 74 bệnh nhân ung thư vú đã được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị và hóa chất. Số bệnh nhân này được chia làm hai nhóm, một nhóm điều trị Aslem và một nhóm không. Nhóm dùng Aslem được tiêm bắp thuốc Aslem 2 lần/2 ống/tuần trong 2 năm. Kết quả cho thấy, không hề có sự khác biệt giữa hai nhóm đối chứng.

 

Điều này cho thấy: Không thấy hiệu quả của thuốc trong điều trị bệnh ung thư cũng như vai trò của thuốc trong vấn đề nâng cao thể trạng và cải thiện hệ thống miễn dịch, thời gian sống lâu hơn….

 

Hiện tại ở bệnh viện K, dù bệnh nhân ung thư thì rất đông nhưng số lượng bệnh nhân sử dụng Aslen là rất hiếm. TS Thuấn cho biết thêm, ngay cả các bác sĩ tại khoa TS Thuấn làm việc (khoa Nội 2), cũng không có bác sĩ nào kê thuốc Aslem cho bệnh nhân ung thư. Hay tại khoa Hóa chất có 500 bệnh nhân nhưng các bệnh nhân đều không dùng Aslem để điều trị mặc dù thuốc được đưa vào nhà thuốc và trong hệ thống thanh toán bảo hiểm y tế. Nguyên nhân một phần là do hiệu quả chưa rõ, hơn nữa khi sử dụng bệnh nhân phải tiêm bắp nên rất đau.

 

“Hiệu quả điều trị ung thư là không có, còn việc có nâng cao được sức đề kháng của bệnh nhân, nâng cao hệ thống miễn dịch hay không vẫn còn phải nghiên cứu tiếp trên diện rộng mới có thể khẳng định. Vì thế, người bệnh không nên bỏ ra một số tiền quá lớn để tự mua thuốc, dùng bừa bãi mà không có chỉ định. Vì bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ của nó”, TS Thuấn cảnh báo. Tuy nhiên, nhiều người dân đang hiểu nhầm Aslem là loại “thần dược” điều trị ung thư nên mới đổ xô đi mua mà không biết tác dụng thực sự của nó đến đâu. 

 

GS Đỗ Đức Vân, nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Việt Đức cũng cho rằng, đây chỉ là loại thuốc bổ trợ cho điều trị ung thư. Tuy nhiên, việc tăng cường hiệu quả miễn dịch đến đâu còn cần tiếp tục nghiên cứu. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc về nhà tiêm vì ngoài tác dụng phụ của thuốc, có thể gặp tai biến do tự tiêm.

 

Để điều trị tốt nhất bệnh ung thư, theo TS Thuấn, người dân cần chủ động quan tâm hơn đến sức khỏe của mình. Đi khám bệnh định kỳ để phát hiện ung thư sớm. Ung thư không có nghĩa là chấm hết, mà hoàn toàn chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Người bệnh ung thư không nên tự ý điều trị bằng các loại thuốc nam, các loại thực phẩm chức năng…. Nhất là đang trong giai đoạn điều điều trị bằng hoá chất, nếu sử dụng các loại thuốc này có thể sẽ làm giảm tác dụng của hóa chất.

 

Trước tình trạng “sốt” thuốc Aslem, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang chỉ đạo Cục Quản lý dược VN có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ và thông báo chính xác về tác dụng của thuốc Aslem, giúp bệnh nhân hiểu đúng và sử dụng đúng. TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược VN cho biết: “Cục đang kiểm tra lại hồ sơ đăng ký của thuốc Aslem để làm rõ các công dụng, chỉ định của thuốc lưu trong hồ sơ đăng ký thuốc tại cục. Nếu có thông tin sai lệch, không chính xác về sản phẩm trên thị trường, gây lầm tưởng cho người sử dụng, nhà sản xuất sẽ phải giải trình rõ ràng”.

 

Ngọc Linh