1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Anolyt chữa tay chân miệng chỉ là nước muối điện phân!

Trước phản ứng của ngành y tế (yêu cầu TS Khải dừng việc chữa trị tay chân miệng theo cách riêng của mình), TS Nguyễn Văn Khải đã bày tỏ quan điểm của mình: “Tôi chỉ cho bà con vệ sinh bằng nước muối, chanh và vitamin B1”.

 

Anolyt chữa tay chân miệng chỉ là nước muối điện phân! - 1

Nước muối không độc gì cả!
 

“Ngành Y tế cứ để như hiện nay là hại dân. Ngành Y tế đừng hại dân nữa! Người ta mang 3 tấn CloraminB vào nhưng với 3 tấn thì không thể làm sạch cả tỉnh Ninh Thuận. Đó là chưa kể đến chuyện nó còn gây ra những độc hại cho môi trường. Còn nước muối thì không độc gì cả”, TS Khải nói.

 

Theo TS Khải, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cho biết “Công trình của bác chưa được Bộ Y tế thông qua” nên phải tạm dừng. “Tôi trả lời họ rằng tôi chẳng có công trình nào ở đây cả. Tôi chỉ cho bà con vệ sinh bằng nước muối, chanh và vitamin B1, chẳng có gì độc hại cả, chẳng có gì là công trình cả”, ông Khải nói.

 

“Ông già ozon” cũng đưa ra bằng chứng: “Có đứa bé nằm 14 ngày với đủ thuốc thang nhưng không khỏi, tôi cho nó ngậm, súc miệng bằng dung dịch anolyte để nó ho, khạc ra đờm, trong đờm có cả máu. Sau đó nó đi lại được. Nguyên tắc của tôi chỉ có thể thôi”.

 

Theo ông Khải, bệnh viện khẳng định 95% bệnh nhân mắc bệnh này sẽ tự khỏi. Nhưng 5% của hàng chục ngàn ca mắc không phải con số nhỏ. Nếu ngành y tế làm tốt thế thì liệu có tới hơn 140 đứa trẻ chết vì bệnh chẳng có gì là mới lạ này không?”

 

Hiện nay, ông Khải cho rằng mình không chê các phương pháp khác, cũng không khẳng định chỉ có phương pháp của mình là duy nhất. Tuy nhiên, ông khẳng định phương pháp của mình có hiệu quả trong việc chữa trị bệnh.

 

Theo ông, một trong những điều khiến ngành Y tế và ông không “đi chung” được với nhau là bởi bên y tế biết phương pháp chữa trị của ông nhưng không làm đúng theo cách ông đưa ra.

 

“Họ chẳng liên lạc lấy một lần, đến tận nơi một lần xem tôi làm như thế nào”, ông nói.

 

Chưa hết, nhiều người làm trong ngành y cho rằng ông Khải là TS Vật lý, không có chuyên môn về y học. Ông Khải phản pháo: “Người làm nghề y có hiểu gì về sinh học phân tử không? Làm sao họ biết được tôi đã học những cái gì mà khẳng định là không có chuyên môn về y học?

 

Người trong ngành y có chuyên môn về y học nhưng không giúp các cháu hết đau, hết ngứa. Những tranh luận này có lẽ không quan trọng. Điều quan trọng là để các cháu hết đau, hết ngứa, ăn được, chơi được, ngủ được thì các ông không làm được. Nếu các ông bảo khỏi được thì việc gì các cháu phải nằm viện lâu như thế?”.

 

Trả lời về động cơ “tự nguyện chữa trị cho các cháu mắc tay chân miệng”, ông Khải khẳng định: “Tôi không chịu được khi thấy 5 cháu bé nằm 1 giường, xung quanh mỗi đứa là bố, mẹ la liệt. Tôi sẽ ân hận suốt đời nếu thấy giúp được các cháu mà không giúp. Tôi không thể để cháu nào chết thêm nữa”.
 

Ý kiến của các chuyên gia

 

Phó Giáo sư Trịnh Lê Hùng – chuyên gia hóa học đến từ khoa hóa học, ĐHKHTN - ĐHQGHN cho biết: Dung dịch mà TS Khải dùng thực chất là nước javen loãng (sau khi điện phân muối ăn nồng độ loãng).

 

Về phương diện hóa học, PGS Hùng cho biết dung dịch này có tính sát trùng, diệt khuẩn tốt. Với bệnh tay chân miệng, có thể dùng để sát khuẩn các nốt mụn, vết lở trên da tay, da chân mà không gây ảnh hưởng gì.

 

Khi được hỏi nếu dùng nước này để súc miệng, ngậm thì có đảm bảo không, ông Hùng cho rằng nếu nồng độ của dung dịch thấp thì cũng không gây ảnh hưởng gì. Nguyên nhân là vì các chất độc khác có thể tích lũy, ngấm vào cơ thể nhưng riêng chất này thì không.

 

Tuy nhiên, ông Hùng lưu ý: Đây là những phân tích ở góc độ hóa học.

 

“Còn ở góc độ y tế, đến nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá về tác động của dung dịch này đến việc điều trị bệnh tay chân miệng”.

 

Trong khi đó, ThS. BS Trần Thị Hồng Vân, người đã có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi TƯ, lại bày tỏ quan điểm khác.

 

Theo bác sỹ Vân, hiện nay với bệnh tay chân miệng thì chỉ dùng nước sát khuẩn nhẹ. Với dung dịch của TS Khải, nó có tính sát khuẩn cao nhưng có gây ra một số tác động nhất định nên không được khuyến khích sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng của Bộ Y tế.

 
Theo Ngọc Anh
Vietnamnet 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm