Ăn rau ăn cả… thuốc trừ sâu

Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn là vấn đề gây bức xúc từ trước tới nay và được đề cập nhiều lần trong các hội thảo, hội nghị về nông nghiệp, môi trường… Thế nhưng, trong khi các nhà quản lý đang loay hoay tìm giải pháp thì thuốc bảo vệ thực vật vẫn được sử dụng ngày càng nhiều.

Thuốc sâu không… đáng sợ?

Nằm ven sông Hồng, đất đai màu mỡ, các vườn rau ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội xanh mơn mởn như được tưới tắm, chăm sóc kỹ càng để chuẩn bị cho một mùa thu hoạch lớn.

Thế nhưng hóa ra trong các khu vườn ấy, bao giờ cũng có khoảnh để ăn, khoảnh để bán. Tại khoảnh vườn rau được trồng để ăn, nếu như “gia chủ” phải “lao tâm khổ tứ”, phải cặm cụi bắt sâu, nhổ cỏ, đuổi bướm (để không cho đẻ trứng rồi nở thành sâu trên lá rau) để có được rau xanh, sạch ăn thì tại khu vườn trồng rau để bán, họ nhàn nhã hơn nhiều, chỉ việc phun và phun thuốc trừ sâu là xong.

Sở dĩ biết được như vậy là vì người viết bài này đã tận mắt chứng kiến cảnh người nông dân pha bình nước với một loại thuốc viên hoặc bột màu trắng rồi mang phun cho cả khu vườn. Khi được hỏi: “Phun thuốc đó để làm gì và tại sao chỉ phun khoảnh vườn bên này mà khoảnh bên kia không được phun” thì “gia chủ” chỉ lấp liếm bằng câu trả lời gọn lỏn: “Thuốc sâu ấy mà”.

Phun thuốc sâu cho rau cải ở Đông Anh
Phun thuốc sâu cho rau cải ở Đông Anh

Và đương nhiên, với cách chăm sóc “công nghiệp” như vậy nên rau bên khoảnh vườn được bán phát triển nhanh hơn, lá mướt hơn, thời gian thu hoạch cũng rút ngắn hơn so với rau ở bên khoảnh vườn được trồng để ăn.

Chính một nông dân trồng rau ở đây đã “bật mí”: “Nếu phun thuốc sâu (cách nói chung với thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích) có 3 cái lợi: thời gian thu hoạch rút ngắn từ một nửa đến 2/3 thời gian, rau lại xanh mướt, bắt mắt làm cho dễ bán, từ đó dẫn đến lợi nhuận thu nhanh và nhiều hơn so với trồng rau theo cách truyền thống. Như rau ngót chẳng hạn, nếu theo cách trồng truyền thống, phải gần một tháng mới được thu hoạch mà chưa chắc rau nhìn đã ngon do bị sâu ăn, xoăn lá… vì thế việc buôn bán cũng không thuận lợi. Nhưng nếu phun thuốc bảo vệ thực vật, rau vừa dễ bán vì đẹp mắt vừa chỉ mất 10 ngày là thu hoạch được. Bắp cải hay cải xanh cũng vậy, nếu phun thuốc bảo vệ thực vật, không những lá rau không bị đục lỗ chỗ do sâu ăn mà thời gian thu hoạch cũng giảm 1/3 so với rau không phun thuốc. Ngoài ra lá rau còn xanh non, hấp dẫn và cuốn rất chặt”.

Hiện nay, đang là thời gian chuẩn bị lượng rau cung cấp cho dịp tết nên những hộ trồng rau ở ở xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội đang “tăng tốc” cho những vườn rau của mình với giải pháp chẳng còn cách nào khác là… sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Không chỉ tại Mai Lâm mà ở nhiều huyện trồng rau khác ở Đông Anh hay bất kể “vựa” rau nào cung cấp cho người tiêu dùng cũng đang lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách vô lối.

Có một câu chuyện mà đến giờ trong giới báo chí hay những hộ nông dân trồng rau vẫn truyền tai nhau như một “giai thoại” đáng sợ. Ấy là Hợp tác xã nông nghiệp Phương Viên ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội bán đậu đũa vừa phun thuốc sâu cho phóng viên, mặc dù từ lối dẫn vào đến tận khu sản xuất của hợp tác xã này đều giăng biển: “Khu sản xuất rau an toàn”; “Mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng GAP)…

Câu chuyện như sau: Trong khi bà Dung, chủ một hộ trồng rau “sạch” của hợp tác xã tay còn đang pha chế thuốc sâu có tên: Toplaz 70WP, Pezan 50EC để phun vào giàn đậu đũa đã trĩu quả thì một phóng viên đang tìm hiểu về chất lượng rau sạch ở đây hỏi mua đậu đũa của bà. Tưởng sẽ hái đậu “sạch” bán cho khách nào ngờ bà hái luôn đậu do chính tay bà vừa phun xong để bán với giá 15 nghìn đồng/kg. Bà bảo giá này cao hơn ngoài chợ vài nghìn vì là “hàng sạch”!? Đến khi phóng viên hỏi: “Vừa phun thuốc xong như vậy mà bán cho khách thì làm sao ăn được” thì bà thản nhiên trả lời: “Đậu đũa thời kỳ cho thu hoạch nên phun mấy loại thuốc trừ sâu này, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người ăn đâu, thậm chí chế biến ngay sau 15 phút phun thuốc cũng chẳng hề hấn gì”.

Để cho khách tin hơn, Bà Dung còn thuyết phục: “Mấy thứ tôi vừa phun không phải là thuốc sâu mà là chất hóa học, chỉ có tác dụng “đuổi” côn trùng chứ không giết chết chúng nên không độc hại gì”.

Nhằm thử xem đậu đũa của bà Dung là “sạch” và có thể ăn ngay sau khi phun, phóng viên đã mang đậu cùng với tên hai loại thuốc mà bà này đã phun đến cơ quan quản lý để nhờ xác định. Kết quả không như bà Dung “quảng cáo” mà ngược lại đây là loại thuốc (Pezan 50EC) không được sử dụng cho rau vì có độc tố cao, có tác dụng tiếp xúc vị độc cao… Riêng với thuốc Toplaz 70WP, dù nằm trong danh sạch mục thuốc bảo vệ thực vật nhưng phải cách ly 7-14 ngày sau khi phun mới được thu hoạch. Bởi đây là thuốc trừ nấm có mức độ thẩm thấu nhanh, nội hấp mạnh nên khi phun không những phải mặc quần áo bảo hộ, đeo găng tay mà còn phải đeo khẩu trang…

Vậy mà bà Dung đã bán cho khách ngay khi vừa phun xong là bà đã vi phạm khoản 2 Điều 32 Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật. Bà đã bị cơ quan quản lý xử phạt hành chính vì điều này.

Lạm dụng nguy hiểm

Nói về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở trong nước hiện nay, PGS. TS Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam khẳng định: “Chúng ta đang lạm dụng hết sức trầm trọng thuốc bảo vệ thực vật”.

Nhằm chứng minh điều này, PGS.TS Nguyễn Kim Vân đã đưa ra một so sánh giữa nước ta với các nước trong khu vực về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như: Tính đến năm 2013, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở nước ta có gần 1.700 hoạt chất trong khi các nước trong khu vực chỉ có khoảng 400-600 loại hoạt chất, cụ thể Trung Quốc: 630 loại, Thái Lan, Malaysia: 400-600 loại… Như vậy số lượng hoạt chất bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở ta hơn gấp 3-4 lần so với nước bạn.

Ông Hồ Kiên Trung, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cho hay: “Nếu như trước năm 1985, khối lượng hóa chất bảo vệ thực vật dùng hàng năm khoảng 6.500 - 9.000 tấn thì 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã nhập khẩu và sử dụng 70.000 - 100.000 tấn, tăng gấp khoảng 10 lần so với trước. Đây thực sự là con số khủng khiếp, xếp Việt Nam vào những quốc gia hàng đầu về tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật”.

PGS.TS Nguyễn Kim Vân nhận định: “Nguyên nhân của tình trạng này là do những người làm sản xuất nông nghiệp sợ mất năng suất dẫn đến mất lợi nhuận từ việc trồng trọt nên đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách vô tội vạ đến mức mất cả… nhân tính. Không những vậy, họ còn sử dụng sai quy cách các loại thuốc làm cho hậu quả do thuốc bảo vệ thực vật gây ra càng trở nên nghiêm trọng hơn và thực sự lãng phí”.

Và hậu quả ấy đã được thống kê là: Tính đến năm 2009, 900 khu vực môi trường đất bị ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn thuộc 17 tỉnh, thành phố và gần 300 kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên 35 tỉnh, thành phố. Trong đó, 200 khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng và nghiêm trọng, 87 khu vực bị ô nhiễm và gần 600 khu vực đất có ô nhiễm hóa chất nhưng chưa được đánh giá chi tiết. Còn gần đây nhất, các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương đã phát hiện thêm 410 khu vực bị ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.

“Gậy ông đập lưng ông” những hệ lụy này sẽ tác động lại trực tiếp đến đời sống, sức khỏe con người như gây ung thư, vô sinh, làm đất nông nghiệp bạc màu…

Để giải quyết vấn đề trên đây, thực sự mà nói đối với ngành nông nghiệp nói riêng hay các cơ quan quản lý nói chung vẫn là một câu hỏi dường như chưa có lời đáp. Bởi vậy, người tiêu dùng, nhất là những người không thuộc tầng lớp “tự sản tự tiêu” chỉ còn cách chấp nhận tiêu dùng thực phẩm mà người làm ra dành cho mình!

Theo Nguyễn Hưng

Petrotimes