Ăn nem ở quán bia, người đàn ông nhập viện vì liên cầu lợn

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo bệnh nhân kể lại, cách ngày vào viện một ngày, bệnh nhân có xuất hiện sốt, kèm theo đau lưng, nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua nhiều.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận một bệnh nhân nam, 30 tuổi, ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái nhập viện với biểu hiện sốt không rõ nguyên nhân.

Theo bệnh nhân kể lại, cách ngày vào viện một ngày, bệnh nhân có xuất hiện sốt, kèm theo đau lưng, nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua nhiều. Bệnh nhân xin vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái khám và điều trị.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, qua khám và làm một số các xét nghiệm như chọc dịch não tủy nuôi cấy vi khuẩn và định danh hệ thống tự động, cho kết quả dương tính với liên cầu lợn (Streptococcus suis).

Ăn nem ở quán bia, người đàn ông nhập viện vì liên cầu lợn - 1

Người đàn ông bị liên cầu lợn sau khi ăn nem chua, nem nắm (Ảnh minh họa: CDC Yên Bái).

Qua khai thác bệnh sử, cách thời điểm nhập viện 3 ngày, người bệnh có ăn nem chua, nem nắm mua tại quán bia.

Người bệnh được điều trị và chăm sóc tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái.

Sau khi nhận được thông tin từ bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Yên Bái đã cử cán bộ phối hợp điều tra, giám sát, báo cáo theo quy định.

Đồng thời CDC Yên Bái đề nghị Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái chỉ đạo trạm y tế xã, phường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn trên địa bàn, để đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị, đồng thời thực hiện điều tra xác minh ca bệnh theo mẫu, báo cáo nhanh trường hợp mắc bệnh theo quy định.

Liên cầu khuẩn lợn là tác nhân gây bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn. Tuy nhiên vi khuẩn có thể cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh.

Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn (lợn lành, hoặc lợn bị bệnh) thông qua những vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình giết mổ lợn, chế biến thịt lợn, hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ.

Chưa có bằng chứng lây nhiễm liên cầu lợn từ người sang người. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh.

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh liên cầu lợn thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới và gây tổn thất lớn về kinh tế. 

CDC Yên Bái dự báo tình hình bệnh liên cầu lợn vẫn còn diễn biến phức tạp do dịch bệnh liên cầu lợn trên động vật không biểu hiện triệu chứng, người dân còn chủ quan, hiểu biết về bệnh còn hạn chế, thói quen sử dụng các món ăn như tiết canh, đồ tái.

CDC Yên Bái khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống, tập trung vào nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như: người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ lợn, bán thịt lợn tươi, sống và những người nội trợ trực tiếp chế biến sản phẩm tươi, sống từ lợn...

- Không giết mổ hay tiêu thụ lợn mắc bệnh, lợn chết.

- Thực hiện vệ sinh ăn uống, không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa nấu kỹ; không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch.

- Sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, kính bảo vệ mắt; rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn, đặc biệt khi phải xử lý lợn mắc bệnh hoặc lợn chết.