Ăn nấm hái trong rừng, 3 người trong một gia đình bị ngộ độc nặng

(Dân trí) - Ngày 6/5, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết đang điều trị tích cực cho 2 bệnh nhân là vợ chồng bị ngộ độc nặng sau khi ăn nấm hái trong rừng.

Ba người cùng nhập viện

Trước đó, ngày 4/5, vợ chồng anh Đinh Văn T. (39 tuổi) và Đinh Thị N. (38 tuổi, trú xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi ra Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng ngộ độc nấm nặng.

Theo người nhà cho biết, gia đình anh T. vào rừng hái một loại nấm màu trắng, vừa mọc sau mưa và chế biến món ăn tối cho gia đình. Sau bữa ăn khoảng 12 tiếng, 3 thành viên gia đình gồm anh T., vợ và cô con gái 12 tuổi mới có biểu hiện đau bụng, nôn mửa, chóng mặt, đi cầu phân lỏng và mệt lả.

Ăn nấm hái trong rừng, 3 người trong một gia đình bị ngộ độc nặng - 1

Bệnh nhân Đinh Thị N. bị ngộ độc nặng sau khi ăn nấm hái trong rừng

Các bệnh nhân được nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, sau đó vợ chồng anh T. được chuyển ra Bệnh viện Đà Nẵng và còn con gái được chuyển đến Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng để tiếp tục điều trị .

BS.CK2. Hà Sơn Bình, Phụ trách khoa Hồi sức chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, người vợ nhập viện trong tình trạng rối loạn tri giác sau đó hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan cấp, suy thận cấp. Hiện tại bệnh nhân bị nhiễm độc gan nặng, suy gan cấp và suy thận cấp nên phải thay huyết tương, lọc máu liên tục, thở máy hỗ trợ hô hấp. Diễn tiến bệnh nhân nặng, tiên lượng rất xấu.

Trong khi đó, người chồng triệu chứng ngộ độc xảy ra chậm hơn, tỉnh táo, tiếp xúc được, tổn thương gan nhẹ hơn.

“Hiện hai bệnh nhân đã được điều trị thải độc qua đường tiêu hóa,và tiết niệu. Các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát sao, tích cực cứu chữa”, BS. Bình thông tin thêm.

Không phải nấm có màu sắc sặc sỡ mới là nấm độc

Theo BS. Bình trước đó, Khoa Hồi sức Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) cũng đã từng nhiều lần tiếp nhận điều trị các trường hợp nhập viện trong tình trạng buồn nôn, đau bụng, tê mỏi chân tay do ăn phải nấm lạ.

 “Cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tỷ vong rất cao. Thậm chí, có những gia đình sau khi ăn phải nấm độc, cả nhà đều tử vong. Nguy hiểm là vậy nhưng người dân chưa có kiến thức phân biệt nấm lành và nấm độc. Đáng lưu ý, nhiều người lầm tưởng nấm độc phải là nấm có màu sắc sặc sỡ nên thấy nấm trắng đã hái về ăn, gây nguy hiểm đến tính mạng. Thậm chí, có những loại nấm, sâu bọ ăn không chết nhưng vẫn có thể gây độc với người. Hay một số người cho gà, chó ăn nấm trước, sau 1-2 giờ mà động vật đó không chết hoặc không bị ngộ độc thì đó là nấm không độc. Cách thử này chỉ đúng với một số loại nấm độc tác dụng nhanh và không gây chết người. Còn hầu hết nấm độc gây chết người có tác dụng chậm, từ 12 đến 24 giờ sau khi ăn mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên”, BS. Bình nói.

Biểu hiện khi ăn phải nấm độc, tùy theo từng loại nấm mà xuất hiện triệu chứng trước 6 giờ hoặc xuất hiện muộn từ 6 đến 40 giờ sau khi ăn, trường hợp triệu chứng ngộ độc muộn có tổn thương gan thận thì tiên lượng nặng hơn. Ngộ độc do ăn phải nấm độc thường có các biểu hiện, như: đau bụng dữ dội thành từng cơn, đi ngoài nhiều lần; buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu; toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn; hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái; co giật, tăng tiết đờm; đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được; khó thở… Thậm chí, có một số loại nấm có thể gây liệt thần kinh, tổn thương gan, thận, hôn mê và tử vong.

Bác sĩ Bình cho rằng, hơn 80% bệnh nhân ngộ độc nấm tử vong nếu đến cấp cứu muộn. Điều đó cho thấy, việc cấp cứu ban đầu các ca ngộ độc nấm rất quan trọng.

Do đó, trong khi chờ cấp cứu, bằng mọi biện pháp phải loại nhanh chất độc ra khỏi cơ thể người bệnh bằng cách gây nôn hoặc dùng than hoạt tính có tác dụng làm giảm chất độc.

Nếu bệnh nhân tiêu chảy nhiều gây mất nước, phải bù nước bằng cách cho uống dung dịch oresol. Hoặc uống 30g than hoạt tính (tương đương 2 thìa canh) với 1-2 cốc nước. Trường hợp người bệnh hôn mê, co giật phải cho nằm nghiêng; người bệnh thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ; sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ năng lực chuyên môn điều trị càng sớm càng tốt.

Khánh Hồng