1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ăn ít sống lâu, nhai kỹ sống thọ

Khi dành thời gian cho giờ ăn, ăn ít, nhai chậm, nhai kỹ bạn sẽ khám phá ra nhiều điều rất có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ.

Ăn ít sống lâu, nhai kỹ sống thọ  - 1


Trong những điều răn dạy của đạo Phật có dạy cách ăn uống để đạt đến hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ. Ngày nào ta cũng ăn, trong khi ăn, nếu tập nhai cho kỹ, ăn biết ngon miệng, ăn cho có niềm vui nghĩa là ta đang tu.

Ta không ăn như một người đang chạy đua. Ta dừng lại và nhìn thấy chính mình. Ta thấy ta đang có thời giờ để sống. Ta không phải là nạn nhân của những cuộc chạy đua đang xảy ra ở chung quanh ta.

Người nào có thời giờ để sống, thì người đó đang tu. Người nào có thời gian để ăn, là người đó đang sống có hạnh phúc.

Đừng ăn quá no

Trên 2.500 năm trước, nhà hiền triết Socrate đã từng khuyên "Hãy rời bàn ăn khi hãy còn muốn ăn. Còn Hải Thượng Lãn Ông cũng nhắc nhở: "Muốn cho ngũ tạng được yên, bớt ăn mấy miếng, nhìn thèm hơn đau".

Điều này cho thấy, ăn ít calo có thể giúp giảm bớt bệnh tật và tăng tuổi thọ. Nhiều thí nghiệm khác nhau trên loài khỉ và chuột đều cho thấy việc giảm bớt calo giúp con vật sống lâu 50% và ít bị những căn bệnh tuổi già so với những con vật khác. Các nhà khoa học cho rằng quy luật này cũng xảy ra ở con người.

Hai nghiên cứu tại trường ĐH Harvard cũng cho kết quả giảm từ 15 - 20% lượng calo ăn vào có thể làm giảm áp huyết, gia tăng cholestrerol tốt và hạ thấp nguy cơ tử vong vì ung thư, tim mạch, đột quỵ.

Hiện nay, nhiều người ở độ tuổi trung niên ở Australia đang có phong trào ăn ít đi sống khỏe hơn. Người ta tin rằng ăn ít đi khoảng 20% calo sẽ giúp tăng cường sức khỏe và giảm những nguy cơ mắc các loại bệnh mạn tính phổ biến hiện nay như tim mạch, tiểu đường, ung thư.

Có lý luận cho rằng ăn ít làm giảm bớt sự tích lũy những gốc tự do, một yếu tố quan trọng làm hư hại tế bào. Nghiên cứu còn cho thấy, ăn ít có thể là một điều khó khăn, tuy nhiên nếu ăn ít hơn 5% là cũng đã có thể có tác dụng tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, bạn đừng hiểu nhầm ăn ít là ăn kiêng, ăn ít sẽ gây thiếu dinh dưỡng. Ăn kiêng là chế độ cho những đối tượng có bệnh lý nào đó, và chế độ ăn kiêng này sẽ do bác sĩ lên thực đơn. Trên thực tế, ăn uống phải phù hợp với lứa tuổi và nhu cầu phát triển của cơ thể. Dĩ nhiên, những sản phụ, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ, trẻ em đang phát triển hoặc những người suy nhược, thiếu dinh dưỡng cần phải được ăn uống đầy đủ. Ăn ít, nghĩa là ăn xong mà vẫn thấy đủ, không bị no quá. Bạn không có cảm giác tức bụng, khó chịu.

Tuy ăn ít, nhưng vẫn nhận đủ chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Điều này cho thấy, ăn bao nhiêu có thể không quan trọng bằng ăn cái gì. Nếu bạn ăn uống điều độ, ăn những thức ăn lành mạnh, chẳng hạn ăn nhiều rau quả và ngũ cốc thô, ít chất béo bão hòa, ít thịt đỏ và thực phẩm công nghiệp thì không nhất thiết phải giảm ăn.

Rau quả và ngũ cốc thô có nhiều chất xơ, sinh tố, chất khoáng và những chất chống oxy hóa có vai trò trung hòa những gốc tự do, giải độc, tăng cường hệ miễn dịch và làm chậm sự lão hóa và nhiều chất độc hại khác là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư và bệnh tim mạch.

Ăn chậm nhai kỹ

Miệng có thể ví như cái bao tử đầu tiên, nơi đây, thực phẩm đi qua chặng đầu của quá trình tiêu hóa trước khi được đưa xuống bao tử thứ hai. Nếu bạn không để cho bao tử đầu tiên làm việc, bao tử thứ hai sẽ lãnh hết mọi trách nhiệm nặng nề, và trở nên suy yếu sau vài mươi năm lao tác. Không những thế, thức ăn không qua "cửa ải" thứ nhất sẽ trở thành một thứ phá hoại khi nó vào đến dạ dày.

Do đó, ăn chậm nhai kỹ khoảng 30 lần trước khi nuốt xuống là bước quan trọng đầu tiên để làm cho thức ăn nhuyễn giúp tiêu hóa dễ dàng. Khi ăn bất cứ thứ gì, thì nó cần phải được tiêu hóa trong miệng trước khi tiêu hóa trong dạ dày.

Những thức ăn có nhiều protein như thịt, cá, gà thì không cần phải nhai nhiều như những thức ăn từ bột. Nhưng dù sao thì bạn cũng nên nhai cho nhuyễn. Nếu thức ăn càng được nhai kỹ thì tính dinh dưỡng của nó càng gia tăng.

Bạn thử nhai cơm 30 lần cho nhuyễn, bạn sẽ cảm thấy vị ngọt của cơm. Điều này có nghĩa là nếu bạn biết nhai kỹ thức ăn thì lượng thức ăn mà bạn cần sẽ giảm đi phân nửa.

Không những thế, nhai kỹ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư. Các nhà y học Nhật Bản vừa chứng minh bằng thực tiễn rằng: nhai kỹ trong 30 giây sẽ khiến các độc tố gây bệnh ung thư mất tác dụng gây bệnh. Các nhà khoa học cho rằng, chính nước bọt được tiết ra khi nhai kỹ có tác dụng trừ độc rất mạnh. Nhưng cần phải nhai kỹ thức ăn từ 30 giây trở lên thì mới đạt hiệu quả cao nhất.

Ăn biết ngon

Bạn thử nhai cơm từ 30 lần trở lên xem cơm có ngon ngọt? Nhai miếng cà rốt luộc sẽ cảm thấy vị ngọt của nó rất đặc trưng, hay cần một miếng bông cải luộc, nhai 30 lần, bạn sẽ nhận ra vị thơm của bông cải thật là tuyệt diệu.

Khám phá vị ngon ngọt của thực phẩm cũng là cách ăn giúp tăng tuổi thọ. Trong khi nấu, nếu sử dụng gia vị quá nhiều, bạn đã đánh mất khả năng thưởng thức thực phẩm. Nhưng nếu cứ tiếp tục ăn và nuốt vội vàng thì không bao giờ thưởng thức được vị ngon lành của thực phẩm cả. Ăn không biết ngon là nguồn gốc của mọi căn bệnh về thân và cả về tâm.

Ăn và biết ngon thì thức ăn chính là thuốc. Muốn được vậy, bạn cần tập nhai. Nhai cho đến khi nào thực phẩm biến thành ngon và ngọt thì mới nuốt xuống. Bạn sẽ thấy có nhiều hạnh phúc trong khi ăn. Sau một buổi ăn, bạn nhận ra mình yêu đời hơn. Thức ăn trở thành thuốc cho thân và cho tâm.

Theo Phạm Thủy

Bác sĩ gia đình