Ăn gạo lứt muối mè chữa ung thư: Nhận định từ chính cộng đồng thực dưỡng
(Dân trí) - Có một thực tế là những người mắc bệnh nặng như ung thư, suy thận hầu như đều biết đến thực dưỡng thông qua chế độ ăn trường kỳ gạo lứt muối mè 100%. Trong khi đó, những người chủ động tìm đến, có tìm hiểu kỹ về thực dưỡng hầu như rất ít áp dụng cách ăn chỉ có ngũ cốc này hoặc có chăng cũng chỉ áp dụng trong một vài ngày.
Thời gian gần đây, xuất hiện không ít những trường hợp bệnh nhân ung thư, suy thận, tiểu đường phải nhập viện trong trạng thái cơ thể bị suy kiệt nặng, rối loạn chuyển hóa… với cùng một nguyên nhân là ăn theo chế độ 100% gạo lứt muối mè trong một thời gian dài. Theo tìm hiểu, chế độ ăn gạo lứt muối mè còn được biết đến với tên gọi “Cách ăn số 7” trong phương pháp ăn uống dưỡng sinh rất nổi tiếng, có nguồn gốc từ Nhật Bản, được gọi là Thực dưỡng.
Có một thực tế là nhiều người mắc các bệnh mãn tính nặng như ung thư, suy thận, tiểu đường chỉ biết đến thực dưỡng thông qua cách ăn số 7, chủ yếu là nghe theo quảng cáo của các trang bán các mặt hàng chủ đạo trong cách ăn này là: gạo lứt, muối mè và một số loại ngũ cốc nguyên hạt khác. Trong khi đó, trong cộng đồng những người ăn thực dưỡng, kiểu tiết thực này lại rất ít khi được áp dụng làm chế độ ăn hàng ngày.
Cách ăn thuần gạo lứt muối mè theo nhận định của cộng đồng thực dưỡng
Chia sẻ với PV Dân Trí, chị A.Y, một người đã áp dụng chế độ ăn thực dưỡng trong nhiều năm nhận định rằng, nguyên lý của thực dưỡng là ăn đúng những gì mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta, tức là các loại thực phẩm tự nhiên nhất (ngũ cốc nguyên cám, rau xanh hữu cơ…) hạn chế tối đa các loại thực phẩm đã qua xử lý như: cà phê, nước ngọt, bánh kẹo, xúc xích…Cơ thể của mỗi người có một điểm khác biệt, vì vậy cần dựa trên những nguyên lý cốt lõi của thực dưỡng để xây dựng một chế độ ăn phù hợp nhất cho bản thân mình. “Việc rập khuôn một chế độ ăn cho tất cả các trường hợp, như cách mà nhiều người bệnh nặng đang rập khuôn thực đơn gạo lứt, muối mè là không đúng với tinh thần của thực dưỡng.”
Cũng theo chị A.Y, thực dưỡng là một cách ăn dưỡng sinh, tức là khi bước vào trạng thái ổn định thì sẽ duy trì một cơ thể khỏe mạnh, trí tuệ minh mẫn. Do đó, nếu càng ăn thực dưỡng mà cơ thể càng trở nên suy kiệt, chứng tỏ chế độ ăn đang áp dụng quá cực đoan, không phù hợp với cơ thể và đi ngược lại với mục đích của thực dưỡng.
Nhiều bài viết trên các trang website, Fanpage về thực dưỡng, của chính những người am hiểu sâu về thực dưỡng cũng đã liên tục lên án việc “thần thánh hóa” cách ăn muối mè, gạo lứt. Những bài viết này cũng nhấn mạnh cách ăn số 7 chỉ được dùng để thải độc cơ thể và chỉ nên áp dụng trong thời gian trên dưới một tuần lễ, nếu kéo dài sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng.
Bài viết của anh L.T một người từng áp dụng cách ăn số 7 khẳng định rằng, việc mù quáng ăn theo cách ăn số 7 sẽ mang đến cái chết thầm lặng! “Họ được tuyên truyền bởi các tay cực đoan rằng, gạo lứt là thực phẩm quân bình nhất, là thức ăn của loài người, rất giàu dinh dưỡng không sợ thiếu chất… phải ăn cho đến khi hết bệnh rồi mới ăn ra. Bất chấp lời khuyên can của mọi người xung quanh, gia đình bạn bè và người thân… những nạn nhân vẫn cứ tin mù quáng và tiếp tục ăn đến khi teo tóp, gầy trơ xương, xanh xao, da sạm, giảm chức năng sinh dục, tắt kinh, thiếu máu, suy giảm đề kháng, lạnh tay chân, già nua, đái ra máu, bón kinh niên, mờ mắt, rụng răng, rụng tóc…” – Anh L.T chua xót chia sẻ về thực trạng hiện nay trong bài viết của mình.
Chia sẻ trong một cuộc hội thảo, chuyên gia hàng đầu về thực dưỡng của Nhật Bản hiện nay, ông Masahiro Isogai cũng khuyến cáo về cách ăn số 7: “Nếu áp dụng số 7 để trị liệu hay để tăng khả năng phán đoán thì dài lắm cũng chỉ khoảng 7 ngày và thiết đặt thời gian ăn phục hồi đủ dài. Những sai lầm khi áp dụng ăn số 7 phần nhiều là ăn quá dài không phù hợp với cơ thể, và không có khái niệm ăn phục hồi.”
Minh Nhật