“Ăn cho cả mẹ và con”: Quan điểm có đúng?

(Dân trí) - Các bà bầu thường cố gắng ăn nhiều hơn vì theo họ là đang “ăn cho cả mẹ và con”. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cảnh báo rằng điều này không hoàn toàn có lợi cho sức khỏe sau này của đứa trẻ.

Theo các chuyên gia, những phụ nữ tăng cân quá nhiều trong thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe đối với đứa trẻ trong cuộc sống sau này.

Trẻ sinh ra từ những bà mẹ béo phì trong giai đoạn cuối của thai kỳ sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường loại 2 và đột quỵ. Chính vì vậy, các bà bầu nên đảm bảo họ có một lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh và sức khỏe của họ ở giai đoạn ngay trước khi sinh góp phần quan trọng tới nền tảng sức khỏe của đứa trẻ.

“Ăn cho cả mẹ và con”: Quan điểm có đúng?

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi hơn 13.000 người từ khi sinh ra trong thập niên 30 và 40 cho đến thời hiện tại. Qua đó, họ phát hiện ra rằng nhau thai của những bà mẹ ăn một chế độ giàu chất béo sẽ khiến thai nhi không có được sự bảo vệ tốt nhất chống lại hoóc-môn căng thẳng cortisol.

Điều này có nghĩa rằng sự phát triển của bào thai bị suy giảm và đứa trẻ sẽ có nhiều khả năng bị rối loạn tâm lý ở tuổi trưởng thành.

Phát hiện quan trọng khác có liên quan tới những trình tự lặp lại của ADN ở các đầu mút của nhiễm sắc thể (còn được gọi là telomere). Việc có các telomere dài sẽ bảo vệ AD và giúp nền tảng sức khỏe được củng cố. Trong khi đó, telomere ngắn là dấu hiệu của bệnh tật và tuổi thọ thấp.

“Ăn cho cả mẹ và con”: Quan điểm có đúng?

Nhóm nghiên cứu đã khám phá ra rằng béo phì kết hợp với việc tăng cân quá nhiều trong thai kỳ của các bà bầu có liên quan tới chiều dài telomere ngắn hơn ở những đứa trẻ được sinh ra.

Những phát hiện này được công bố như một phần của dự án về tình trạng béo phì ở châu Âu. Đồng thời, đây cũng là lời cảnh báo về việc cần ngăn chặn béo phì ở những phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ.

Hùng Cường

Theo dailymail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm