Ăn chậm, nhai kỹ - Đơn giản nhưng hay bị lãng quên

Từ nhỏ chúng ta đã thường được nghe lời khuyên “ăn chậm, nhai kỹ” nhưng không phải ai cũng biết tại sao phải làm như vậy. Thực ra, việc làm tưởng chừng rất đơn giản này mang lại lợi ích rất lớn cho sức khỏe.

 

Ăn chậm, nhai kỹ - Đơn giản nhưng hay bị lãng quên


Quá trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng

 

Khi nhai, các tuyến nước bọt bắt đầu hoạt động, cơ thể được thông báo sẽ được cung cấp thức ăn và tạo thêm thời gian chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa. Càng nhai kỹ, nước bọt trộn với thức ăn nhiều hơn, điều này rất có lợi. Mặc dù thực tế nước bọt con người có đến 98% là nước nhưng nó là chứa các enzym quan trọng, cũng như các hợp chất khác như hợp chất kháng khuẩn, chất nhầy, và chất điện phân. Các enzym trong nước bọt tạo ra phản ứng hóa học ban đầu để “giảm tải” cho các công đoạn tiêu hóa về sau.

 

Ăn chậm, nhai kỹ có lợi cho sức khỏe.      Ảnh: nguồn internet

 

Nhai kỹ từng miếng làm đơn giản hóa đáng kể quá trình tiêu hóa của ruột. Thức ăn nhập vào đường tiêu hóa ở dạng nhỏ hơn cũng làm giảm lượng khí nuốt vào, từ đó giảm cảm giác cồng kềnh hoặc chướng bụng sau khi ăn. Còn ngược lại, ăn miếng to khiến cho thức ăn khó di chuyển hơn qua đường tiêu hóa. Nhai kỹ cũng giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng cần thiết.

 

Đề phòng ăn quá đà

 

Cảm giác no ở dạ dày phải mất 20 phút mới được thông tin đầy đủ đến não. Nếu ăn nhanh, rất dễ xảy ra tình huống là trót ăn nhiều thức ăn hơn mức cần thiết trước khi nhận ra là mình đã no, sau đó… vật vã vì thấy quá no. Khi bạn dành thời gian để ngừng xúc thực phẩm và nhai từng miếng trước khi nuốt, thời gian ăn sẽ lâu hơn. Trong thời gian đó, có thể não đã nhận được tín hiệu là bụng đã no để tránh tiêu thụ quá mức cần thiết bởi ăn quá nhiều là một thói quen không lành mạnh, có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe.

 

Ngon miệng hơn

 

Hiện nay, do lối sống gấp mà nhiều người nhiễm phải thói quen ăn quá nhanh. Nếu dành thời gian hơn để nhai, việc thưởng thức bữa ăn sẽ thú vị hơn. Khi đó, hương vị thức ăn sẽ được cảm nhận đầy đủ hơn khi nước bọt thực hiện công đoạn “cắt” những mảng thức ăn lớn thành các loại đường đơn giản. Rất có thể nhai kỹ tạo ra hương vị mới lạ của những món ăn mà thông thường bạn chưa cảm nhận được vì ăn quá nhanh.

 

Thế nào là nhai kỹ?

 

Bình thường, để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, thức ăn rắn nên được nhai tối thiểu 30 - 40 lần. Thức ăn lỏng như cháo, bún mỗi miếng cũng nên nhai khoảng 10 lần. Và nếu cảm thấy khó khăn khi tự kiểm soát nết ăn của mình, hãy làm theo những lời khuyên dưới đây để giúp ăn chậm, nhai kỹ: Dùng đũa để gắp thức ăn; Ngồi thẳng và hít thở chậm và sâu khi ăn; Chỉ tập trung cho việc ăn uống, loại bỏ phiền nhiễu; Dành không gian riêng chỉ để ăn uống; Tự nấu nướng để nâng cao chất lượng bữa ăn hơn.

 

Theo BS. Hồng Hạnh

Sức khỏe & Đời sống