Ám ảnh làng ung thư dưới chân núi Nưa
Hơn 20 năm qua, tâm trạng người dân làng Thổ Vị (xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) khá hoang mang khi lần lượt tiễn gần 100 người, trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ, có những gia đình 4 người… về thế giới bên kia vì mắc các bệnh liên quan đến ung thư.
Hơn 20 năm, một làng có 80 người chết vì ung thư
Làng Thổ Vị nằm khép mình dưới chân núi Nưa. Từ năm 1993 đến nay, làng này có tới 80 người chết vì bệnh ung thư. Đây là số người chết có bệnh án ung thư, còn những người ra đi nghi ngờ mắc bệnh này thì khá nhiều.
Ông Trần Minh Hán, nguyên Trưởng làng Thổ Vị, là người đầu tiên phát hiện ra điều này. Từ những năm 1993, ông Hán đã cẩn thận ghi chép lại tên tuổi những người đã chết liên quan đến các bệnh ung thư như gan, phổi, vòm họng… Ông phỏng đoán rất nhiều người chết vì ung thư ở đây có thể liên quan đến mỏ quặng amiăng(?!). “Năm 2005, khi còn làm ở Mặt trận Tổ quốc xã, tôi đã lấy 70 mẫu nước của toàn xã để mang đi xét nghiệm, nhưng chỉ có 2 mẫu là dùng được, các mẫu nước còn lại đều nhiễm vi khuẩn, vi trùng và các chất độc hại. Chị gái và anh rể tôi cũng đã ra đi vì bệnh ung thư quái ác, quanh nhà tôi có 7 người chết vì ung thư..”, ông Hán cho biết.
Bà Lê Thị Lai (76 tuổi, ở thôn 8, làng Thổ Vị) có người con trai đầu bị chết do ung thư gan khi mới 45 tuổi. Theo bà, trong gia đình nội, ngoại không có ai có tiền sử mắc bệnh gan. Thời gian trước khi mắc bệnh, con trai bà khỏe và không có bệnh tật gì. Với vẻ mặt buồn rầu, bà chia sẻ: “Nó mất đi để lại vợ và hai đứa con bơ vơ, gia đình cũng không biết rõ nguyên nhân do đâu. Khi nghe xã thông báo trong nguồn nước giếng có chất gì đó độc hại, có thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư cho người dân trong thôn. Từ đó, gia đình tôi bỏ không dùng nước giếng khoan nữa mà dùng hoàn toàn bằng nước mưa”.
Theo chỉ dẫn của ông Hán, đi qua con đường lầy lội bùn đất, chúng tôi đến gia đình anh Vũ Văn Hiệu (42 tuổi, ở thôn 9). Anh Hiệu được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng. Từ năm 2009 đến nay, gia đình đã đưa anh đi chạy chữa nhiều nơi nhưng bệnh tình hầu như không biến chuyển…
Bệnh tật do nguồn nước nhiễm amiăng?
Nhiều người dân ở đây cho biết, cạnh làng Thổ Vị có dãy núi Nưa. Thời bao cấp, tại chân núi Nưa có một đoàn địa chất về khai thác mỏ để lấy quặng amiăng. Cũng thời điểm đó, xã phát động người dân đào giếng lấy “đá mồ côi”- loại đá được xem là có chứa các sợi amiăng độc hại để kè giếng, làm đường giao thông. Người dân nghi ngờ loại đá này có nhiều lớp màu trắng là các sợi amiăng. Theo thời gian, các sợi amiăng này gặp mưa, khuếch tán, ngấm vào các mạch nước ngầm sinh hoạt của người dân. Hiện nay, các mẫu nước lấy từ giếng khoan, giếng khơi ở làng Thổ Vị đều bị nhiễm amiăng cao gấp hàng chục lần cho phép, không có mẫu nào đảm bảo dùng làm nước sinh hoạt. Đây là kết luận đã được chính quyền xã Tế Thắng công bố rộng rãi tới toàn thể người dân trong làng.
Từ khi được xã thông báo là nguồn nước dùng bấy lâu nay có thể là nguyên nhân chính gây nên các bệnh ung thư, bà con trong làng cũng đã nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe hơn. Thời gian gần đây, hầu hết các hộ trong thôn đã xây bể chứa nước mưa để sinh hoạt, còn tắm rửa vẫn phải dùng nước giếng.
Làng Thổ Vị vốn làm nông nghiệp thuần túy, đời sống của bà con nông dân còn nhiều khó khăn. Theo thống kê của Trạm Y tế xã Tế Thắng, số người mắc bệnh ung thư gan, phổi trong làng chiếm tới hơn 80% so với các bệnh khác, trong đó, bệnh nhân nam chiếm đa số. Trong làng có tới 6 hộ có hai người chết vì mắc bệnh ung thư. Ông Hoàng Văn Khánh - Chủ tịch UBND xã Tế Thắng cho biết, nguyên nhân vì sao số người chết vì bệnh tật ở làng Thổ Vị tăng đột biến vẫn là câu hỏi. Chúng tôi thiết tha mong muốn Nhà nước đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch để người dân ở đây nâng cao chất lượng sống, phòng tránh bệnh tật. |
Theo Ngọc Hưng
Báo Gia đình & Xã hội