1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ai cũng làm “thầy thuốc tại gia” nên kháng kháng sinh mới khó “cứu”

(Dân trí) - Tự ý mua kháng sinh về dùng mỗi khi có bệnh, rồi lại tự ngưng uống khi bệnh có chút thuyên giảm… chính là những thói quen tưởng vô hại nhưng vô cùng nguy hiểm, góp phần đẩy tình trạng kháng kháng sinh (KKS) tại Việt Nam bùng phát mạnh mẽ như hiện tại.

Nếu cứ bệnh thì uống thuốc…

Nếu như vài năm trước đây, khi bị ho, cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng… bạn thường tự mua thuốc có kèm kháng sinh để mau chóng khỏi bệnh. Nhưng gần đây, cũng liều như thế, bạn lại chẳng thấy hiệu quả gì. Để chữa khỏi bệnh, bạn phải kết hợp dùng nhiều loại thuốc khác nhau, với liều lượng nhiều hơn, thời gian kéo dài hơn… thì rất có thể, bạn đã là một trong những nạn nhân của KKS – vấn nạn đe dọa sức khỏe toàn cầu đang được báo động đỏ hiện nay.

Tình trạng KKS xảy ra khi vi khuẩn gây bệnh trở nên nhờn thuốc hoặc không còn bị ức chế bởi một loại kháng sinh nào đó. Vì kháng kháng sinh nên dù bạn có uống thuốc, vi khuẩn gây bệnh đã kháng vẫn “sống khỏe” và nhân lên trong cơ thể, làm cho việc điều trị ngày càng khó khăn, tốn kém chi phí, hậu quả nặng nhất có thể dẫn đến tử vong khi không còn loại thuốc đặc trị nào tiêu diệt chúng được nữa.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ KKS cao nhất thế giới. Trong đó, nguyên nhân chính của tình trạng này được chỉ ra là do tình trạng dùng kháng sinh không theo chỉ định từ bác sĩ của không ít người Việt.

Rất nhiều người giữ thói quen tự mua thuốc kháng sinh khi có bệnh không cần hỏi ý kiến bác sĩ
Rất nhiều người giữ thói quen tự mua thuốc kháng sinh khi có bệnh không cần hỏi ý kiến bác sĩ

Báo cáo của Bộ Y tế vào tháng 09/2017 chỉ ra, tại Việt Nam có khoảng 90% kháng sinh được bán ra không do bác sĩ kê đơn. Bệnh thì mua kháng sinh về uống, bố mẹ tự “bắt bệnh” và mua thuốc cho con, thuốc của người này lại nhường cho người khác, gặp lại bệnh cũ nghiễm nhiên dùng lại thuốc cũ; uống không đủ liều được chỉ định… những thói quen tưởng vô hại nhưng để lại hệ quả vô cùng nghiêm trọng với sức khỏe, góp phần làm cho tình trạng KKS ngày càng khó lường. Đáng nguy ngại hơn cả khi Việt Nam đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Đơn cử như tại các tỉnh phía Nam, tỉ lệ Ecoli (vi khuẩn đường ruột) kháng kháng sinh lên tới 74,6%; tỉ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K.pneumoniae lên tới gần 60%... Tỉ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh càng tăng cao, bệnh càng khó chữa, càng đe dọa nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Tuyệt đối không được làm “thầy thuốc tại gia”

Đành rằng nhiều loại bệnh cần phải dùng kháng sinh mới khỏi, nhưng không phải loại bệnh nào cũng buộc dùng đến kháng sinh; đặc biệt là dùng bao nhiêu, như thế nào thì luôn cần đảm bảo tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ. Lấy ví dụ như bệnh ho ở trẻ em, khi thấy trẻ ho lâu ngày không dứt, cha mẹ liền mua kháng sinh cho con uống trong khi chưa biết con bị ho vì nguyên cớ nào. Liệu đó là biểu hiện của bệnh lý nhiễm trùng hay do dị ứng với tác nhân lạ môi trường… Khi không bắt đúng nguyên nhân, uống kháng sinh chẳng những không cải thiện bệnh mà còn gây ra nhiều tác dụng phụ như dị ứng, tiêu chảy, làm cho vi khuẩn dễ nhờn thuốc, kháng thuốc…

Thận trọng với bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào bạn định dung nạp vào cơ thể
Thận trọng với bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào bạn định dung nạp vào cơ thể

Chính sự nguy hiểm khôn lường của tình trạng KKS, bất kỳ ai cũng tuyệt đối không được làm "thầy thuốc tại gia". Cần tạo thói quen kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế uy tín, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng và cách dùng. Sự chủ động không phải là tự ý mua thuốc mà nên nằm ở việc nếu được kê thuốc kháng sinh, bạn cần hỏi rõ bác sĩ thuốc đó có tác dụng thế nào đối với bệnh của bạn.

Bên cạnh nâng cao kiến thức để điều trị đúng cách, mỗi người cần chú ý tăng cường sức đề kháng tự nhiên bằng các thói quen đơn giản như xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập thể dục điều độ, rửa tay và vệ sinh thân thể thường xuyên với xà phòng, sữa tắm diệt khuẩn…

Với mục đích mang lại cho cộng đồng những kiến thức thiết thực, bổ ích về phòng ngừa nhiễm khuẩn, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, Bộ Y tế - Cục Y tế dự phòng và Quỹ Unilever Việt Nam, nhãn hàng Lifebuoy sẽ tiếp tục đồng hành trong chương trình hợp tác truyền thông “Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn” với kỳ vọng nâng cao nhận thức, giúp người dân sử dụng thuốc kháng sinh có trách nhiệm và xây dựng những thói quen tích cực để tăng cường đề kháng tự nhiên, phòng tránh nhiễm khuẩn…