Ai chịu trách nhiệm khi có tai biến tiêm chủng?
(Dân trí) - Trước tình hình số lượng trẻ được đưa đi tiêm chủng giảm mạnh đồng thời nhằm nâng cao chất lượng tiêm chủng, một luật mới với những quy định chặt chẽ về người chịu trách nhiệm khi có tai biến tiêm chủng đã được Bộ Y tế giới thiệu.
Tại Hội nghị sơ kết công tác Tiêm chủng mở rộng (TCMR) 6 tháng đầu năm 2008, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Phượng, Phó Khoa y tế công cộng- Viện Pasteur cho biết: “20 tỉnh thuộc khu vực phía Nam đã TCMR đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi. Trong đó có 11 tỉnh là Bình Dương , Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc trăng, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Hậu Giang, Vũng Tàu, Long An, Bạc Liêu) đạt, vượt kế hoạch từ 45% trở lên. Riêng 9 tỉnh còn lại chỉ đạt từ 30 - 45% (Đồng Nai, Lâm Đồng, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Phước, Cà Mau, Vĩnh Long và TP.HCM)”.
Viêm Gan B (VGB), chỉ có Kiên Giang và TPHCM đã đạt chỉ tiêu khoảng 41,7%, còn cả 18 tỉnh còn lại chỉ đạt dưới 20%. Đáng chú ý, có đến 8 ca tử vong do phản ứng sau tiêm (PUST) trong 6 tháng đầu năm 2008, so với 12 ca tử vong do PUST trong cả năm 2007.
Trong 8 ca tử vong 6 tháng đầu năm 2008, theo điều tra thì có 5 ca không liên quan đến tiêm chủng, 3 ca có thể liên quan đến tiêm chủng. Trong đó, có 1 ca có phản ứng sau khi tiêm và 2 ca chưa rõ nguyên nhân. Bình Phước và TPHCM là 2 địa phương có số ca PUST cao nhất.
Cũng vì các nguyên nhân PUST liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây đã làm cho các bậc phụ huynh không đem con em đi chủng ngừa. Ảnh hưởng tâm lý này đã là nguyên nhân (cao nhất) gần 30.000 trẻ (68,5%) không được phụ huynh đem trẻ đi tiêm vắc xin sởi trong đợt vừa qua.
Tại hội nghị này, đại diện Bộ Y tế cũng giới thiệu Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị đã được quốc hội thông qua ngày 21/11/2007. Theo luật này tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, bảo quản, người tiêm chủng sẽ phải chịu trách nhiệm về những trường hợp phản ứng sau tiêm và bồi thường theo luật định cho người bị thiệt hại vì TCMR.
Trong Luật này, đáng lưu ý nhất là mục 5, điều 30: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế và người làm công tác tiêm chủng, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế có lỗi trong việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế thì phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình gây ra tai biến cho người được sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế theo quy định của pháp luật”.
Còn điều 6: Nhà nước sẽ bồi thường cho người bị thiệt hại vì TCMR, nếu xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân trên phải bồi hoàn cho nhà nước theo quy định của pháp luật.
Ngọc Thanh