95% ca đứt dây chằng, chấn thương là người chơi thể thao phong trào

Tú Anh

(Dân trí) - Theo GS.TS Trần Trung Dũng, các ca chấn thương thường rơi vào nhóm vận động viên phong trào. Với vận động viên chuyên nghiệp, trong bóng đá, việc nâng cao thành tích mà vẫn an toàn là rất quan trọng.

Ngày 6/5, tại sự kiện Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện Vinmec Times City được công nhận là Trung tâm y học thể thao xuất sắc theo chuẩn của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), GS.TS Trần Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao đánh giá, thời gian qua, y học chưa đóng góp được nhiều trong việc tăng thành tích của thể thao Việt Nam.

Theo GS Dũng, y học thể thao không chỉ giải quyết vấn đề chấn thương cho cầu thủ, phòng ngừa nguy cơ chấn thương, mà quan trọng, tinh hoa nhất của thể thao là thành tích cao.

"Cần nghiên cứu, tính toán để cùng con người đó, cùng cơ thể, với tính chất như vậy, việc tập luyện ra sao có thể có thành tích cao hơn và vẫn an toàn cho vận động viên", GS Dũng nói.

Theo GS Dũng, với Phòng Phân tích vận động sẽ phân tích chuyển động, đánh giá các yếu tố liên quan đến chuyển động của cơ thể con người nhằm phát hiện và phòng tránh các nguy cơ chấn thương/tái chấn thương, hỗ trợ điều trị, đo lường hiệu quả của quá trình tập luyện cũng như hỗ trợ điều trị - phục hồi tốt nhất cho y học thể thao…

95% ca đứt dây chằng, chấn thương là người chơi thể thao phong trào - 1

TS Dato' Gurcharan Sing, Chủ tịch Hội đồng Y học của Liên đoàn bóng đá châu Á trao giấy chứng nhận cho đại diện BVĐK Quốc tế Vinmec (Ảnh: BV).

Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam đánh giá, với Trung tâm này, vận động viên, người chơi thể thao được điều trị ngay trong nước, với chất lượng như ở nước ngoài.

Ông Tuấn cho biết, thời gian qua, nhiều tuyển thủ thi đấu với mật độ dày đặc, ở cường độ cao chuyên nghiệp và gặp những chấn thương đáng tiếc phải nghỉ thi đấu.

Điển hình như đội tuyển bóng đá Việt Nam thiếu hụt nguyên hàng hậu vệ ảnh hưởng thành tích bóng đá của cả đội tuyển quốc gia do chưa có hệ thống theo dõi đánh giá kịp thời các yếu tố sau chấn thương thể thao. 

"Chúng tôi đã ấp ủ hình thành trung tâm điều trị chấn thương đạt chuẩn AFC nhằm giải quyết vấn đề này cho bóng đá Việt Nam cũng như các vận động viên thể thao', ông Tuấn nói.

Theo GS Dũng, Trung tâm có đầy đủ các khoa chức năng hiện đại, tiên tiến nhất. Trung tâm không chỉ điều trị bệnh lý, phẫu thuật mà còn phát triển chuyên sâu về y học thể thao.

Các vận động viên hoặc những người chơi thể thao không chuyên nghiệp đều được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện và cá thể hóa. 

Theo đó, Trung tâm không chỉ phục vụ vận động viên thành tích cao các đội tuyển, mà cho cả cộng đồng người chơi thể thao.

95% ca đứt dây chằng, chấn thương là người chơi thể thao phong trào - 2

Các học viên tập luyện tại phòng tập (Ảnh: BV).

"Với vận động viên chuyên nghiệp, việc tập luyện để nâng cao hiệu suất thi đấu nhưng vẫn đảm bảo an toàn, thì với người chơi thể thao không chuyên, vấn đề cần quan tâm hàng đầu là phòng chấn thương", GS Dũng nói.

Theo chuyên gia này, có đến 95% bệnh nhân gặp chấn thương trong thể thao là người chơi phong trào. Trong khi đó, nhu cầu thể thao phong trào và bán chuyên ngày càng tăng, phải làm sao để chơi thể thao an toàn, tập luyện thể thao an toàn, thay vì phải đi viện mổ dây chằng, điều trị chấn thương...

Từ năm 2022 đến nay, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec đã ký kết hợp đồng hỗ trợ y tế cho tất cả các đội tuyển quốc gia thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Bệnh viện đã điều trị cho hàng loạt các tuyển thủ giữ vị trí quan trọng trong đội tuyển quốc gia như: Nguyễn Văn Toản, Nguyễn Kim Nhật, Lê Văn Xuân, Thái Thị Thảo, Chương Thị Kiều, Nguyễn Thị Vạn… giúp các cầu thủ này quay trở lại được thi đấu.