1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

80% ký sinh trùng bám trên rau sống sau rửa

Không chỉ có các loại bào nang amip, trùng lông, trùng roi… các loại rau sống trên thị trường hiện nay còn chứa một lượng lớn các loại trứng, ấu trùng giun sán như: giun móc, giun đũa, giun đũa chó mèo, sán lá gan…

Đó là kết luận được rút ra từ đề tài nghiên cứu “Khảo sát ký sinh trùng trên rau sống bán tại các chợ trên địa bàn TPHCM” do bộ môn Ký sinh trùng (KST) thuộc Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM (TTĐT-BDCBYT) thực hiện và báo cáo tại Hội nghị Ký sinh trùng – côn trùng – vi nấm toàn quốc lần thứ 34, tổ chức tại TPHCM hôm qua, 5/4/2007.

 

Ẩn họa từ rau

 

Theo nhóm nghiên cứu, bên cạnh những món ăn được chế biến từ thịt, trứng, cá… thì việc đưa thêm rau sống vào khẩu phần ăn hàng ngày là rất quan trọng để cung cấp cho cơ thể một lượng vitamin C, E, A, chất khoáng và một số yếu tố vi lượng, cũng như chất xơ cần thiết cho quá trình tiêu hóa.

 

Tuy nhiên, nếu rau sống không được đảm bảo vệ sinh (tưới phân bón tươi, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng qui định…) thì lại là món ăn chứa vô số những tác nhân gây bệnh: vi khuẩn, trứng giun sán, ấu trùng giun sán và các loại bào nang amip, trùng lông, trùng roi…

 

Ít ai biết được đằng sau sự tươi ngon của mỗi lá rau là những ẩn họa khôn lường về các mầm bệnh. Để phục vụ cho việc tìm hiểu về tình trạng KST trên rau sống, từ đó giúp người dân có ý thức hơn về việc sử dụng rau an toàn, từ cuối năm 2006 đến tháng 2/2007, nhóm nghiên cứu đã thực hiện công trình trên 104 mẫu rau, chủ yếu là các loại rau có nhiều khả năng người dân ăn sống như: rau xà lách, xà lách xoong, rau đắng, rau má, rau muống, tần ô và rau gia vị (rau thơm) được lấy ngẫu nhiên từ 13 chợ trên địa bàn thành phố.

 

Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ nhiễm các loại KST trên rau là rất cao: 97,12% (101 mẫu) với các loại KST nhiễm chủ yếu gồm: bào nang amip (E.histolytica; E.coli) trứng giun đũa, giun móc, trứng giun đũa chó mèo và ấu trùng giun. Trong đó, ấu trùng giun được phát hiện trên rau sống chiếm tỉ lệ cao nhất (78,8%), kế đến là amip (E.histolytica: 65,4%; E.coli: 50%); trứng giun móc (25%); trứng giun đũa (23,1%) và giun đũa chó mèo (11,5%). Có 4 loại rau phát hiện nhiễm KST đến 100% là: rau xà lách xoong, rau đắng, rau tần ô và rau má; các loại rau còn lại có tỷ lệ nhiễm KST là 92,3%. Những chứng cứ về sự hiện diện của các loại KST trên đã phản ánh sự hiện diện của phân tươi trên rau sống.

 

Điều đáng báo động là những KST trên khó có thể được “tẩy sạch” khỏi rau. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ nhiễm KST vẫn còn đến 51,9% sau khi rửa bằng nước thường lần 3; và còn đến 82,6% sau khi rửa bằng nước rửa chuyên dụng. Riêng với máy sục ozon có thể giảm 50% tỷ lệ nhiễm.

 

Đặc biệt là các loại ấu trùng giun vẫn còn đeo bám trên rau đến 76,9% sau khi đã rửa bằng nước thường lần 3 và rửa bằng nước rửa chuyên dụng; trứng giun móc còn đến 30,77% sau khi rửa bằng nước rửa chuyên dụng. Đặc biệt các loại sán lá gan chỉ có thể bung khỏi rau khi rửa rau dưới vòi nước chảy mạnh.

 

Miếng ăn - mầm bệnh

 

Theo PGS-BS Trần Thị Hồng, Trưởng bộ môn KST của TTĐT-BDCBYT, tất cả KST trên đều là những mối nguy hại cho sức khỏe con người, gây các bệnh rối loạn tiêu hóa; viêm nhiễm đường tiêu hóa; giảm hấp thu các chất dinh dưỡng gây thiếu máu, thiếu vitamin A, B, C… Chúng làm người nhiễm bị suy nhược cơ thể. Nguy hiểm hơn là chúng còn gây tắc ruột, apxe gan, giun chui ống mật…

 

Riêng bào nang E.histolytica được xem là dạng đơn bào nguy hại nhất cho sức khỏe con người. Ngoài bệnh lỵ amip, tác nhân này còn gây ra những bệnh lý nguy hiểm hơn như: apxe gan, phổi, não. Tại các bệnh viện TPHCM, mỗi năm có khoảng 200 trường hợp bị bệnh giun đũa chó mèo trong đó có rất nhiều ca nhập viện với tình trạng bệnh nặng: sốt, ói, mê sâu, rối loạn hành vi, động kinh, liệt nửa người…

 

 Trứng giun đũa chó hay mèo vào ruột non người nở thành ấu trùng, xâm nhập thành ruột, theo đường máu phát tán khắp cơ thể như cơ, não, mắt, tim. Khi bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo, người bệnh có thể bị sốt, xanh xao, gầy ốm, ho khò khè kéo dài. Ở thể nặng, khi ấu trùng định vị ở những nơi như hệ thần kinh trung ương, tim, phổi sẽ dẫn đến tình trạng co giật toàn thể hóa, phù não, nhức đầu kéo dài, liệt nửa người, liệt chi dưới, viêm não - màng não và có thể gây giảm thị lực dẫn đến mù mắt (nếu không phát hiện kịp thời).

 

Theo PGS Trần Thị Hồng và các cộng sự, cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào để tẩy sạch triệt để các KST trên rau. Để bảo vệ sức khỏe người dân, trước mắt, các cơ quan chức năng nên có khâu kiểm nghiệm KST các nguồn rau cung cấp vào thành phố; tăng cường tuyên truyền để người dân dùng rau sạch – rau an toàn.

 

Về phía người dân, ngoài việc rửa rau kỹ bằng máy sục ozon hoặc rửa nhiều lần bằng nước thường có hỗ trợ thêm với nước rửa rau chuyên dụng, rửa dưới vòi nước chảy mạnh, nên chú ý không sử dụng các nguồn rau có màu sắc, hình dáng, mùi vị lạ. Nên chọn mua rau ở các cửa hàng rau sạch, rau an toàn có kiểm nghiệm của các cơ quan chức năng.

 

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, một trẻ em có chứa 13-40 con giun đũa sẽ bị chiếm đoạt đi 4g protid trong số 35-50g protid ăn vào. Mỗi ngày, 20 con giun đũa có thể tiêu thụ hết 2,8g glucid; 1 con giun móc sẽ xơi 0,02-0,2ml máu.

 

Theo Kim Liên

Sài Gòn giải phóng