8 dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi

Hà An

(Dân trí) - Ở giai đoạn đầu, ung thư phổi thường không gây ra các dấu hiệu. Khi thấy ho ra máu, ho mãi không khỏi, tức ngực, khó thở… là bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng.

Ung thư phổi là một loại ung thư bắt đầu ở phổi. Phổi có chức năng hấp thụ oxy khi bạn hít vào và thải ra carbon dioxide khi bạn thở ra.

Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư trên toàn thế giới.

Những người hút thuốc có nguy cơ cao nhất bị ung thư phổi, mặc dù ung thư phổi cũng có thể xảy ra ở những người chưa bao giờ hút thuốc. Nguy cơ ung thư phổi tăng lên theo thời gian và số lượng điếu thuốc bạn đã hút. Nếu bạn bỏ thuốc lá, ngay cả sau khi hút thuốc trong nhiều năm, bạn có thể giảm đáng kể khả năng phát triển ung thư phổi.

8 dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi - 1

Các triệu chứng của ung thư phổi

Ung thư phổi thường không gây ra các dấu hiệu và triệu chứng trong giai đoạn sớm nhất của nó. Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phổi thường xảy ra khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng.

Các dấu hiệu này có thể bao gồm:

- Cơn ho mới không khỏi

- Ho ra máu, dù chỉ một lượng nhỏ

- Khó thở

- Tức ngực

- Khàn tiếng

- Giảm cân không rõ nguyên nhân

- Đau xương

- Đau đầu

Khi nào đến gặp bác sĩ

Hẹn khám với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng dai dẳng nào khiến bạn lo lắng.

Nếu bạn hút thuốc và không thể bỏ được, hãy hẹn gặp bác sĩ của bạn. Bác sĩ của bạn có thể đề xuất các chiến lược để bỏ hút thuốc, chẳng hạn như tư vấn, thuốc và sản phẩm thay thế nicotine.

Theo BS Nguyễn Nhật Linh - Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các nhà khoa học đã phát hiện ra chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể thường không thay đổi được. Ngược lại, có đến hơn 80% bệnh ung thư phát sinh có liên quan đến yếu tố có thể thay đổi được.

Cụ thể bao gồm:

- Thuốc lá: hút thuốc lá, kể cả thụ động là một trong những nguy cơ hàng đầu gây bệnh ung thư phổi. Nhiều nghiên cứu khảo sát bệnh nhân mắc ung thư phổi đã chỉ ra, 90% người mắc có liên quan đến hút thuốc lá, 24% người mắc bắt nguồn từ hút thuốc thụ động.

- Chế độ ăn uống không lành mạnh.

- Ô nhiễm môi trường, chất thải từ động cơ, khói bụi, các chất phóng xạ…

- Các bệnh lý mãn tính có sẵn ở phổi: lao phổi, các nốt vôi hóa, tổn thương sẹo cũ ở phổi, các viêm phổi mạn có dị sản.