1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

77 ngày đêm cứu người ở Trung tâm hồi sức được ví như "công trình thế kỷ"

Hoàng Lê

(Dân trí) - "77 ngày đêm, không dài, cũng không ngắn nhưng là một hành trình không thể nào quên" - TS.BS Đỗ Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 đóng tại BV dã chiến số 16, nói.

Sáng 15/10, Bệnh viện (BV) Bạch Mai tổ chức lễ tổng kết, bàn giao Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (Trung tâm) đóng tại BV dã chiến số 16 cho BV Nhân dân Gia Định sau hơn 2 tháng đi vào hoạt động.

77 ngày đêm không thể nào quên

TS.BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, mặc dù phải triển khai trong điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn, nhưng với tinh thần "tất cả vì miền Nam thân yêu", đội ngũ nhân lực tinh nhuệ nhất, hệ thống máy móc hiện đại nhất đã được huy động để chi viện cho TPHCM, nhiều kỹ thuật cao, hiện đại trong chẩn đoán và điều trị đã được triển khai.

Bên cạnh các kỹ thuật điều trị thường quy như thở oxy mặt nạ, thở oxy dòng cao (HFNC), thở máy không xâm nhập và thở máy xâm nhập, Trung tâm đã triển khai các kỹ thuật cao như ECMO, lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ cytokine, thở khí NO, kỹ thuật cắt lớp phổi trở kháng (EIT)...

Qua thời gian hơn 2 tháng, Trung tâm đã tiếp nhận trên 1.300 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Trong đó có 363 ca đã được điều trị qua cơn nguy kịch, chuyển xuống tuyến dưới để tiếp tục điều trị. 213 ca đã được ra viện, trong đó nhiều ca nguy kịch được cứu sống ngoạn mục.

77 ngày đêm cứu người ở Trung tâm hồi sức được ví như công trình thế kỷ - 1

Bệnh viện Bạch Mai bàn giao Trung tâm Hồi sức Covid-19 cho Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Song song với hoạt động của các đơn vị lâm sàng, trong thời gian qua, khoa Xét nghiệm đã thực hiện trên 163.000 xét nghiệm, đảm bảo chính xác, kịp thời, phục vụ công tác điều trị của người bệnh nặng.

Bên cạnh công tác chuyên môn, việc hỗ trợ người bệnh và thân nhân rất được bệnh viện quan tâm. Bệnh viện đã chủ động thông báo ngày, giờ tử vong của bệnh nhân cho người nhà, đồng thời lập danh sách và trao lại những kỷ vật của bệnh nhân đã mất cho thân nhân.

Tổng cộng, Trung tâm đã thực hiện hơn 1.000 cuộc gọi báo tin tử vong, trả lời 3.035 cuộc gọi từ người nhà người bệnh, chủ động gọi trên 7.000 cuộc gọi thông báo tình hình người bệnh và đã trao trả 276 kỷ vật cho người nhà người bệnh.

Bên cạnh đó, gần 1.000 thầy cô và sinh viên trường Cao đẳng y tế Bạch Mai đã tỏa xuống 10 quận huyện của thành phố, "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, thực hiện tiêm vắc xin Covid-19. Nhờ đó, các vùng đỏ ngày càng được thu hẹp, vùng xanh mở rộng, cuộc sống người dân dần trở về trạng thái bình thường mới.

"77 ngày đêm, không dài, cũng không ngắn nhưng là một hành trình không thể nào quên" - TS.BS Đỗ Ngọc Sơn nói.

Trung tâm hồi sức Covid-19 là "công trình thế kỷ"

Tham dự buổi lễ, Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 do BV Bạch Mai thành lập là "công trình thế kỷ". Bởi chỉ trong một thời gian ngắn, chưa đầy một tháng đã hình thành hơn 360 giường hồi sức và hơn 2.000 giường thu dung điều trị Covid-19.

Đến nay, Trung tâm chỉ còn 19 bệnh nhân phải hồi sức, rất ít bệnh nhân thở máy. Ngày 14/10, số ca tử vong ở TPHCM chỉ còn 61 trường hợp, thấp nhất trong nhiều tuần qua. Trong thời gian ngắn, các chuyên gia Bạch Mai đã tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học theo đúng chuẩn một trung tâm hồi sức quốc gia.

77 ngày đêm cứu người ở Trung tâm hồi sức được ví như công trình thế kỷ - 2

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng lãnh đạo Sở Y tế TPHCM dành phút mặc niệm tưởng nhớ các bệnh nhân tử vong vì Covid-19 (Ảnh: Hoàng Lê).

Tuy hôm nay, Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao Trung tâm nhưng vẫn tiếp tục đào tạo nhân lực hồi sức cho các bác sĩ BV tuyến quận huyện. Ông Thượng khẳng định, sau khi tiếp nhận Trung tâm hồi sức, TPHCM sẽ rút kinh nghiệm, nỗ lực, phát huy trong việc cấp cứu bệnh nhân Covid-19 trong thời gian tới.

Chứng kiến những hình ảnh bàn giao xúc động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ, thời gian qua có những lúc TPHCM khó khăn, có lúc dịch bùng phát rất mạnh, 7 Trung tâm hồi sức Covid-19 đã được thành lập trên địa bàn.

Bộ Y tế đánh giá rất cao sự chung sức của lực lượng hỗ trợ, các nhân viên y tế cả Trung ương và địa phương. Sau một thời gian nỗ lực, số lượng bệnh nhân mắc, số ca bệnh nặng và số lượng tử vong đã giảm mạnh. 

Theo Thứ trưởng, ý thức người dân là một bài học rất quan trọng. Người dân đã có hiểu biết đầy đủ về virus SARS-CoV-2. TPHCM đã tổ chức cách ly F0 trong cộng đồng, mô hình lấy xã phường làm pháo đài chống dịch đã được thực hiện. Thành công trong chống dịch Covid-19 tại TPHCM là thành công từ nhân dân.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn mong trong giai đoạn bình thường mới, người dân tiếp tục có ý thức cùng phòng bệnh, các cơ sở y tế tại TPHCM nâng cao năng lực để đáp ứng điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, đơn vị tiếp quản Trung tâm hồi sức Covid-19 cho biết, thời gian qua khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nhân sự của BV đã phải chia ra hỗ trợ chống dịch ở nhiều nơi. Hiện tại sau thời gian khẩn trương khắc phục, nơi đây đã phục hồi 50% hoạt động và số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh so với trước dịch.