750 F0 ở TPHCM tình nguyện thử nghiệm thuốc kháng virus mới

Hoàng Lê

(Dân trí) - Thuốc S-217622 sau 2 giai đoạn thử nghiệm ở nước ngoài cho kết quả có nhiều ưu điểm so với Molnupiravir và Paxlovid trong điều trị Covid-19, sẽ được thử nghiệm với F0 tại Việt Nam.

Đại học Y Dược TPHCM đang tiến hành thu nhận 750 bệnh nhân Covid-19 ở TPHCM (trong tổng số 1.500 bệnh nhân Việt Nam) để tham gia nghiên cứu mang tên "Hiệu quả của thuốc S-217622 trong điều trị Covid-19 có triệu chứng mức độ nhẹ hoặc vừa hay không có triệu chứng được chăm sóc tại nhà". Nghiên cứu này do Đại học Y Dược TPHCM chủ trì,  được tiến hành theo đề cương đã được Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y sinh học của Bộ Y tế phê duyệt, nằm trong chuỗi các thử nghiệm lâm sàng ở Nhật Bản và Việt Nam.

Thông tin với PV Dân trí, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, một trong 2 nghiên cứu viên chính cho biết, mục tiêu chính của nghiên cứu là so sánh kết quả cải thiện triệu chứng của S-217622 (so với giả dược) ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 thể nhẹ và vừa, hoặc kết quả phòng ngừa ở bệnh nhân không triệu chứng. Ngoài ra, nghiên cứu còn so sánh kết quả kháng virus, chất lượng cuộc sống, tình trạng Covid-19 kéo dài (Long-Covid) và các mục tiêu khác.

750 F0 ở TPHCM tình nguyện thử nghiệm thuốc kháng virus mới - 1

Thuốc kháng virus S-217622 (Ảnh: Hãng dược Shionogi, Nhật Bản).

S-217622 là loại thuốc cản trở tác động của 3-CL proteinase khiến cho virus không sản xuất được các protein cần thiết, làm giảm khả năng tăng sinh của virus SARS-CoV-2. Vì vậy, thuốc này nên đươc dùng ở giai đoạn sớm, với hi vọng giúp loại trừ virus sớm ra khỏi cơ thể, nhanh cải thiện triệu chứng và giảm tỉ lệ diễn tiến xấu của bệnh.

Thuốc S-217622 bắt nguồn từ một nghiên cứu của Đại học Hokkaido (Nhật Bản) đã được thử nghiệm trên chuột bị lây nhiễm Covid-19. Kết quả cho thấy cả 4 con chuột không được dùng thuốc đều chết vào ngày thứ 5 sau khi lây nhiễm, trong khi 4 con chuột dùng thuốc S-127622 đều còn sống.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên 69 người Nhật Bản cho thấy vào ngày thứ 4, tỉ lệ người có hiệu giá virus dương tính giảm 60-80% ở nhóm dùng thuốc S-217622 so với nhóm dùng giả dược. Nhóm dùng S-217622 có khuynh hướng cải thiện triệu chứng tốt hơn so với nhóm giả dược. Đặc biệt, không có bệnh nhân nào ở nhóm S-217622 phải nhập viện do bệnh nặng hơn.

Bên cạnh đó, S-217622 có thể gây ra tác dụng phụ như đau bụng, tiêu chảy, nhức đầu ở một số trường hợp và giảm HDL-cholesterol, nhưng các biến cố này không nghiêm trọng và không ảnh hưởng đến điều trị trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Theo PGS Dũng, nếu so sánh với các thuốc kháng virus dạng uống đã được cấp phép là Molnupiravir và Paxlovid, thuốc có 3 ưu điểm. Một là không gây nguy cơ đột biến. Thứ hai, thuốc chỉ dùng một lần/ngày. Thứ ba, thuốc ít gây tương tác mạnh, nên có thể sử dụng an toàn hơn cho các trường hợp mắc bệnh nền.

"Khi nghiên cứu trên mô hình động vật, thuốc S-217622 có tác dụng mạnh hơn Paxlovid. Dù vậy, cần chờ kết quả sắp tới khi điều trị trên con người để đánh giá một cách chính xác. Tại Nhật Bản, thuốc này đang được nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp" - PGS Dũng nói.

750 F0 ở TPHCM tình nguyện thử nghiệm thuốc kháng virus mới - 2

Theo chuyên gia, thuốc S-217622 khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 có nhiều ưu điểm trong điều trị Covid-19 (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Bác sĩ Châu Thị Thanh Xuân, thành viên tư vấn F0 trong nghiên cứu trên cho biết, đối tượng tham gia nghiên cứu là bệnh nhân nhiễm Covid-19 thể nhẹ và vừa,  có xét nghiệm PCR hoặc kháng nguyên nhanh dương tính, khởi phát bệnh trong vòng 5 ngày, từ 12 đến dưới 70 tuổi.

F0 tình nguyện tham gia nghiên cứu được hệ thống máy tính độc lập phân bổ ngẫu nhiên để quyết định sẽ được dùng thuốc S-217622 liều 750-250mg hoặc liều 375-125mg, hoặc giả dược.

Sau khi được kiểm tra sơ bộ, F0 sẽ được bác sĩ đến khám trực tiếp và lấy thông tin về nhân khẩu học, dấu hiệu sinh tồn, triệu chứng học và thuốc sử dụng, đồng thời để xem có đạt tiêu chuẩn chọn lựa của nghiên cứu hay không.

Nếu F0 đạt tiêu chuẩn chọn lựa và muốn tham gia nghiên cứu, sẽ được yêu cầu ký tên vào phiếu xác nhận đồng ý tham gia.

Quá trình nghiên cứu, ngoài được hưởng lợi ích từ thuốc, F0 vẫn được đội ngũ chuyên môn khám và cho chỉ định xét nghiệm nên việc theo dõi bệnh sẽ chặt chẽ hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể thay đổi quyết định bất cứ lúc nào và được ngừng tham gia ngay cả khi đã đồng ý trước đó.