70% dân số nhiễm vi khuẩn HP dạ dày, có lo ung thư?
(Dân trí) - Tôi đi nội soi dạ dày, test vi khuẩn HP dương tính. Tôi rất lo lắng, có phải cứ nhiễm vi khuẩn HP là dễ bị ung thư dạ dày không, thưa giáo sư? (Nam Linh, Hà Nội).
GS.TS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai trả lời:
Tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP trong cộng đồng lên đến 70%. Đây là loại khuẩn có vai trò chính trong viêm dạ dày cấp và mãn tính, trong loét dạ dày tá tràng và trong ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, không phải ai nhiễm vi khuẩn HP cũng gây ung thư dạ dày.
Bởi vi khuẩn HP là loại vi khuẩn sinh sống được ở trong môi trường axit đậm đặc như dạ dày con người. Vi khuẩn này có đến 200 loại khác nhau, không phải loại nào cũng gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày cho người nhiễm. Thực tế, chỉ có những loại vi khuẩn mang gen CagA mới gây ra viêm loét dạ dày tá tràng.
Vi khuẩn này khi kết hợp với muối gây ra hiện tượng đứt gãy các AND của tế bào niêm mạc dạ dày, dẫn đến hiện tượng viêm loét, dị sản, loạn sản niêm mạc dạ dày, từ đó làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Vì thế, khi có nhiễm vi khuẩn HP đừng quá lo lắng, hãy điều trị theo chỉ định của bác sĩ, kết hợp chế độ ăn giảm chua cay, giảm muối, không uống bia rượu...
Khoa học cũng đã chỉ ra được mối liên quan giữa lượng muối trong khẩu phần ăn và sự gia tăng vi khuẩn HP cũng như làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Theo 1 nghiên cứu trên 270.000 người cho thấy những người ăn nhiều muối sẽ tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày.
"Ăn nhiều muối sẽ làm cho vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn. Vi khuẩn HP, nhất là loại vi khuẩn mang gen CagA có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày", GS Long cho biết.
Khi có dấu hiệu đau dạ dày cần đi khám để loại trừ ung thư. Trong thực tế, nhiều trường hợp chỉ đầy hơi, ợ chua... khi đi khám nội soi phát hiện ung thư dạ dày.
Với ung thư dạ dày, hiện công nghệ nội soi dạ dày rất hiện đại, có những máy nội soi có độ phóng đại xấp xỉ 300 lần kèm theo nhuộm màu ảo giúp tăng khả năng phát hiện ung thư đường tiêu hóa từ sớm.
Khi phát hiện sớm, tổn thương mới ở niêm mạc bệnh nhân sẽ không phải trải qua cuộc phẫu thuật lớn mà có thể hớt tổn thương niêm mạc qua nội soi. Trong khi đó, ở giai đoạn muộn bệnh nhân vừa phải phẫu thuật, xạ trị mà cơ hội sống vẫn rất khó khăn. Vì thế, việc nội soi định kỳ ở người có tiền sử đau dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP là vô cùng quan trọng.