7 nguyên tắc cho giấc ngủ trưa

(Dân trí) - Ngủ trưa là một thói quen không thể thiếu ở các nước nhiệt đới. Giấc ngủ trưa đặc biệt có lợi cho dân văn phòng, người phải làm việc cật lực 8 tiếng mỗi ngày. Vậy làm thế nào để có giấc ngủ trưa “lý tưởng”?

1. Điều đầu tiên bạn cần biết đó là cảm giác buồn ngủ vào lúc trưa là điều bình thường. Đó không hẳn là do bạn ăn no, bạn bị stress hay không luyện tập đầy đủ. Đây chỉ là một hoạt động chu kỳ bình thường của con người - cứ 24 giờ, chúng ta lại có 2 quãng thời gian dành cho trạng thái ngủ sâu -  một lần vào lúc 2 - 4h sáng và lần còn lại vào khoảng 10 tiếng sau, tức là 13 - 15h chiều. Nếu sáng bạn ngủ dậy muộn, thì cơn buồn ngủ trưa sẽ đến muộn hơn và ngược lại với người dậy sớm.

 

2. Giấc ngủ trưa mang lại các lợi ích khác nhau tùy thuộc vào khoảng thời gian dành cho nó. Một giấc ngủ ngắn trong 20 phút sẽ thêm tỉnh táo, tăng khả năng tập trung. Một giấc ngủ kéo dài 90 phút sẽ đưa bạn vào một giấc ngủ sâu, kích thích sự sáng tạo. Còn nếu bạn ngủ rất sâu, không bị đánh thức suốt lúc ngủ và vượt 90 phút thì sẽ dẫn đến khó ngủ vào ban đêm.

 

3. Cố gắng không ngủ hơn 45 phút vì khi thức dậy, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, đầu óc không được tỉnh táo. Và một giấc ngủ lý tưởng nhất là chỉ nên trong vòng 20 phút.

 

7 nguyên tắc cho giấc ngủ trưa - 1

Ngủ gục trên bàn chính là thủ phạm khiến mắt bạn bị đỏ khi tỉnh giấc

4. Tìm nơi có bóng tối để ngủ. Nó sẽ giúp bạn ngủ nhanh và ngon hơn so với ngủ gục trên bàn. Một chỗ ngủ quá ấm sẽ khiến bạn ngủ quên nhưng cũng không thể để đặt lưng mà co ro chịu lạnh được - giải pháp tốt hơn cả đó là mang theo một tấm chăn phủ lên.

 

5. Âm thanh dìu dịu dễ đưa bạn chìm vào giấc ngủ, đặc biệt khi bạn phải chịu đựng tiếng ồn từ công trường xây dựng, tiếng xe cộ qua lại, hay bất cứ âm thanh ồn ỹ nào “làm ngắt quãng” giấc ngủ trưa của bạn. Hãy đóng cửa sổ để hạn chế tiếng ồn, bật quạt chạy nhẹ nhàng, đây chính là thời điểm bạn tận hưởng giấc ngủ trưa của mình thật ngon.

 

6. Đừng ngủ trưa quá gần giờ ngủ buổi tối vì nếu không bạn sẽ khó có thể ngủ lại được. Nhớ rằng chỉ nên tranh thủ chợp mắt vào đầu giờ chiều thôi nhé bạn.

 

7. Nên cân nhắc mọi công việc nếu nó làm ảnh hưởng tới giấc ngủ trưa của bạn.

 

Ngọc Linh