7 đột phá y học lớn nhất năm
(Dân trí) - Một năm trôi qua nhanh như gió cuốn và cùng nhìn lại những gì mà năm qua mang lại. Có không ít những phát kiến y học trong năm 2015, và một số thậm chí có thể thay đổi bộ mặt của y học trong tương lai.
Điều trị ung thư bằng vi rút bại liệt biến đổi gen
Sử dụng bại liệt - một bệnh do vi rút có thể gây liệt, khó thở, thậm chí tử vong - để điều trị u nguyên bào xốp, một dạng ung thư não mà thời gian sống thêm của bệnh nhân thường chỉ chưa đến một năm, nghe có vẻ thật hoang đường. Nhưng TS Matthias Gromeier và các đồng nghiệp tại trường Đại học Duke (Mỹ) đã tái thiết kế thành công vi rút bại liệt để điều trị u não bằng cách loại bỏ một trình tự gen chủ chốt.
Vi rút bại liệt biến đổi gen, PVS-RIPO, không khác với những phương pháp điều trị thử nghiệm khác trong quá khứ sử dụng HIV, sởi và đậu mùa. Không như những bệnh này, các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Duke thấy rằng vi rút bại liệt mà thực sự truy tìm và tự gắn với các thụ thể có mặt trên hầu hết các khối u rắn. Nó không chỉ thành công trong việc tìm và gây độc cho các tế bào ung thư, mà còn tránh được các tế bào bình thường.
Minh bạch mà nói thì PVS-RIPO đã được nghiên cứu trong 25 năm qua. Tuy nhiên, các bước đột phá trong điều trị ung thư tiềm năng này được thực hiện vào năm 2015, và bao gồm xóa sổ khối u ở một số bệnh nhân. Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ dự kiến sẽ đưa ra quyết định về "bước đột phá" trong năm tới.
Đột phá trong điều trị bệnh bạch cầu
Bước ra từ một biện pháp điều trị ung thư tiềm năng, Lisa và Ashleigh Richards đã hoàn toàn hết các lựa chọn sau khi con gái Layla 14 tuần tuổi của họ có chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp.
Sau nhiều lần hóa trị và ghép tủy xương, các bác sĩ nói với cặp vợ chồng đau buồn rằng không còn phương pháp điều trị khả thi nào khác. Từ chối việc điều trị giảm nhẹ và không đứng nhìn con gái rơi vào tay tử thần, họ đã liên lạc với GS Waseem Qasim, chuyên gia về trị liệu gen và tế bào Viện Sức khỏe trẻ em UCL (ICH), người đã mang lại cho họ một tia hy vọng.
Niềm hy vọng đến dưới hình thức của một cách điều trị mới, trong đó các tế bào miễn dịch, còn gọi là tế bào T, được lập trình lại thông qua liệu pháp gen để xác định và tiêu diệt tế bào ung thư. Thông thường, bệnh nhân ung thư là không thể sản xuất đủ tế bào T để chống lại các tế bào ung thư tàn phá cơ thể của họ. Qasim và nhóm của ông bắt đầu thu thập tế bào T hiến tặng được lưu trong một ngân hàng mà họ gọi là các tế bào UCART19
Giao tiếp trực tiếp não - não
Việc đọc ý nghĩ không còn là chuyện viễn tưởng nữa, mà đã đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Các nhà khoa học tại trường Đại học Washington đã sử dụng giao tiếp trực tiếp não - não (BBI), kết hợp hình ảnh thần kinh và kích thích thần kinh, để cho phép não của "người gửi " và "người nhận" giao tiếp trực tiếp thông qua mã hóa thần kinh. Trước đây BBI đã được sử dụng để cho phép con người điều khiển động vật chỉ bằng ý nghĩ, nhưng chưa từng biến ai đó thành nhân vật trong phim X-Men có thể đọc được suy nghĩ của người khác.
Trong một thí nghiệm của GS Andrea Stocco, các nội dung của não "người gửi" được xuất ra từ các tín hiệu thần kinh và số hóa trước khi mã hóa lại trong não "người nhận” dưới dạng hoạt động thần kinh. Những cặp người tham gia khác nhau được lắp máy ghi điện não đồ (EEG) và chơi thành công các trò chơi hỏi-đáp thông qua tín hiệu não trên Internet.
In mọi thứ bằng công nghệ in 3D
2015 là một dấu mốc lớn đối với công nghệ in 3D. Hãy bắt đầu với một phát kiến y học có thể đã bước thẳng ra từ bộ truyện viễn tưởng Dị nhân. Sử dụng các kỹ thuật in 3D và dựng hình 3D, các nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học đã phát triển một hướng dẫn in 3D có thể giúp tái tạo các chức năng cảm giác và vận động của dây thần kinh ở chuột sau khi bị thương, mang lại cho chúng khả năng tái sinh một cách hiệu quả các dây thần kinh bị tổn thương.
Tiếp theo, khi một bệnh nhân ung thư 54 tuổi ở Tây Ban Nha cần thay thế một phần của khung xương sườn và toàn bộ xương ức, rõ ràng ông không có nhiều lựa chọn. Không có quá nhiều người sống sẵn sàng hiến tặng hoặc có thể chia sẻ những bộ phận này. Ngay cả khi có người làm vậy đi nữa thì cơ thể con người cũng không ai giống ai, vì vậy việc tìm một người phù hợp sẽ là cả một vấn đề. Vì vậy, những bộ óc tại Commonwealth Scientific và Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp (CSIRO) đã thiết kế một khung xương sườn và xương ức in 3D hoàn toàn vừa vặn để giúp (và cũng là cứu sống) bệnh nhân.
Gần đây hơn là trường hợp của "Han Han" - một bé gái 3 tuổi ở Trung Quốc mắc phải một căn bệnh hiếm gặp khiến đầu em to gấp bốn lần kích thước bình thường . Để ngăn áp lực có thể gây hại cho mô não, Han Han trải qua ca phẫu kéo dài 17 tiếng tại Bệnh viện Nhân dân số II, tỉnh Hồ Nam , được xem là ca mổ tạo hình toàn bộ hộp sọ đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ in 3D. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phẫu thuật tạo hình 3D và in 3D để tạo ra hộp sọ bằng titan mới định vị lại não cho cô bé và ngăn ngừa các biến chứng trong tương lai.
Làm tan thủy tinh thể đục
Đục thủy tinh thể - nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn cầu và là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở Mỹ - ảnh hưởng đến rất nhiều người, và giải pháp duy nhất là phẫu thuật lấy bỏ thủy tinh thể bị đục và thay thế nó bằng thủy tinh thể nhân tạo. Các nhà khoa học ở California đã phát triển loại thuốc nhỏ mắt có khả năng làm tan đục thủy tinh thể. Sau khi phát hiện ra một steroid tự nhiên có tên là lanosterol, các nhà khoa học đã quyết định thử nghiệm nó trên thủy tinh thể của người hiến tạng. Lanosterol không chỉ thu nhỏ đáng kể kích thước của đục thủy tinh thể, mà nó còn ngăn chặn đục thủy tinh thể tái phát khi dùng dưới dạng thuốc nhỏ mắt.
Tuy vẫn đang tìm hiểu các cơ chế cho phép lanosterol làm tan đục thủy tinh thể, song các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng chất này có tác dụng ngăn ngừa sự tích lũy của protein ngăn không cho ánh sáng đi qua. Trong khi lanosterol chưa được phê chuẩn để làm thuốc điều trị đục thủy tinh thể trên người, song nó đã thu hút khá nhiều sự quan tâm của các chuyên gia y tế.
Em bé tế bào gốc từ “hai bố”
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đã lập trình lại các tế bào gốc lấy từ da người lớn để phát triển thành cả tinh trùng và trứng của người, bất kể giới tính của người cho. Sử dụng tế bào gốc, hay tế bào mầm nguyên thủy từ chuột, để tạo ra tinh trùng hoặc trứng là không có gì khó khăn. Tuy nhiên, cho đến nay những kết quả này chưa từng được áp dụng trên người.
Trong số 10 người cho khác nhau , các nhà nghiên cứu đã có thể tạo ra tế bào mầm nguyên thủy của người mới được chứng minh là giống với các tế bào gốc tự nhiên của người lấy từ bào thai sau phá thai. Mặc dù điều này chắc chắn là bước phát triển lớn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, song TS Jacob Hanna và nhóm nghiên cứu của ông tin rằng qui trình có thể mở ra cảnh cửa để thụ tinh ống nghiệm (IVF) cho các cặp đôi đồng tính.
Ca ghép dương vật thành công đầu tiên trên thế giới
Cuối cùng, nhưng chắc chắn không kém nhắt, đó là ca ghép “của quý” thành công đầu tiên trên thế giới .
Đầu năm 2015, BS André van der Merwe và các đồng nghiệp từ Bệnh viện Tygerberg ở Cape Town, Nam Phi, đã thực hiện ca mổ kéo dài 9 tiếng trên một nam thanh niên 21 tuổi bị mất “của quý” do “tai nạn” khi cắt bao quy đầu. Nhóm nghiên cứu đã nối vi phẫu các mạch máu nhỏ và dây thần kinh, tương tự như kỹ thuật được sử dụng khi ghép mặt.
Tuy các bác sĩ đã từng thực hiện thủ thuật này trên “của quý” từ trước, song đây là bệnh nhân đầu tiên hồi phục hoàn toàn và có chức năng lâu dài. Thật không may, chàng thanh niên đã quay trở lại hai tuần sau đó để cắt bỏ “của quý” vừa ghép vì vợ bệnh nhân thấy nó “không thẩm mỹ”. Và đây không phải là một câu chuyện đùa.
Cẩm Tú
Theo MedicalDaily