6 dấu hiệu báo động ung thư

(Dân trí) - Tại Hội thảo khoa học về thải độc cơ thể phòng ung thư diễn mới đây, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội phòng chống ung thư, cho biết cho biết, theo dự báo, số bệnh nhân mắc ung thư sẽ khoảng 200.000 ca vào năm 2020. Số tiền bảo hiểm y tế Việt Nam phải chi trả cho điều trị căn bệnh này cũng lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm (160 triệu USD năm 2013).

Đáng nói, rất ít bệnh nhân ung thư được chẩn đoán và điều trị sớm dẫn đến việc điều trị hiệu quả thấp, chi phí điều trị tăng cao.

Mỗi loại ung thư lại có những dấu hiệu khác nhau, thậm chí không rõ rệt, không có biểu hiện gì đặc biệt đến khi phát hiện đã là giai đoạn cuối.

​“Việc đi khám sức khỏe định kỳ 6 – 12 tháng/lần luôn được khuyến khích để kịp thời phát hiện các bệnh lý thông thường và cả ung thư”, GS Đức khuyến cáo.

Tuy nhiên, nếu có một trong số dấu hiệu cảnh báo dưới đây, dù ở bất cứ lứa tuổi nào người dân cũng nên đến viện khám sớm để được chẩn đoán, điều trị:

Ho dai dẳng, tức ngực kéo dài

6 dấu hiệu báo động ung thư - 1

Những người ho dai dẳng, tức ngực điều trị không đỡ, ho đã loại trừ các nguyên nhân dị ứng, lao… thì cần phải cảnh giác. Lúc này đến viện, chụp X- quang phổi, làm thêm một số xét nghiệm bác sĩ chỉ định sẽ kịp thời phát hiện bất thường trong phổi (nếu có).

Hay bị nghẹn, khó nuốt, chậm tiêu

Theo GS Đức, những người ăn uống khó nuốt, ngày nào ăn cũng bị nghẹn nên đi kiểm tra đầu tiên tại chuyên khoa Tai mũi họng để xem có bất thường. Nhiều người bỏ qua triệu chứng này, nhưng tình trạng nghẹn, khó nuốt ngày càng tăng lên, phải ăn đồ loãng thì rất có nguy cơ có u vùng thực quản, vòm họng.

Dấu hiệu khó tiêu, đầy hơi cũng cho thấy hiện tượng tăng tiết dịch axit dạ dày. Hãy đi khám sớm để xác định tình trạng đau dạ dày. Còn nếu có các hiện tượng trên, lại thêm sụt cân nhanh chóng cần chú ý nguy cơ ung thư dạ dày.

Vết loét lâu lành ở miệng, da

Hãy chú ý đến vết loét miệng lâu lành. Nó khác với các nốt nhiệt miệng, loét miệng do nhiễm vi rút… chỉ sau vài ngày là khỏi. Những vết loét lâu lành tồn tại từ 3-4 tuần thì cần chú ý bởi có thể là do ung thư trên lưỡi hoặc xung quanh miệng.

Nhất là với những người có thói quen thường xuyên ăn, uống đồ quá nóng, hút thuốc lá nhiều cần phải kiểm tra sớm để phát hiện, loại trừ nguy cơ ung thư khoang miệng.

Tương tự, nếu xuất hiện những khối u nhỏ trên da, lớn dần, hoặc loét từ 2- 4 tuần không khỏi, hãy đi kiểm tra để loại trừ nguy cơ ung thư da.

Sút cân nhanh chóng

Với người bình thường bỗng nhiên gầy sút cân nhanh chóng, không rõ nguyên nhân cần đi khám ngay. Việc sụt 10% trọng lượng cơ thể trong vòng 3 - 6 tháng mà không có sự thay đổi về chế độ ăn, tập luyện nào thì có thể là dấu hiệu của bệnh trọng, ung thư.

Sờ thấy khối u, hạch to bất thường

Có u ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể,, sờ mềm, hay sờ cứng… cũng nên đi kiểm tra để xác định u lành tính hay ác tính. Những người có khối hạch lâu năm, hạch mới xuất hiện nhưng to lên bất thường cũng nên đi kiểm tra.

Chảy máu, ra dịch âm đạo bất thường

Với chị em phụ nữ, khi có hiện tượng chảy máu, ra dịch âm đạo bất thường, ra máu ở những người đã mãn kinh, hãy nhanh chóng đi khám phụ khoa. Đôi khi, đây chỉ là dấu hiệu của viêm, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung...

Để phòng ngừa ung thư, bên cạnh việc khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư thì việc duy trì lối sống lành mạnh như ăn nhiều rau xanh, bỏ thuốc lá, rượu bia, tăng cường vận động, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, duy trì cân nặng hợp lý là vô cùng quan trọng.

Cần chú ý chế độ ăn được cảnh báo có nguy cơ cao gây ung thư là: ăn mặn (ung thư dạ dày, mũi họng); ăn nhiều thịt đỏ (ung thư đại trực tràng); đồ nướng, đồ ăn nhanh (ung thư đại trực tràng, dạ dày); ăn thực phẩm nấm mốc.

Hồng Hải