TPHCM:
50% cơ sở thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh
(Dân trí) - Những nguy hại đối với sức khỏe người tiêu dùng từ thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh liên tục được cảnh báo, nhưng ý thức của các hộ buôn bán tại TPHCM vẫn chưa cải thiện. 50% cơ sở được kiểm tra bị hàng loạt sai phạm liên quan đến an toàn thực phẩm.
Thức ăn đường phố đã trở thành một loại hình dịch vụ đặc trưng mang tính văn hóa tại TPHCM bởi tính tiện dụng. Tuy nhiên, người buôn bán thức ăn đường phố đa phần thực hiện theo hình thức nhỏ lẻ, tạm bợ, việc bán thức ăn bên lề đường có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát chất lượng thức ăn đường phố của các cơ quan quản lý cũng gặp rất nhiều trở ngại. Vì mục tiêu lợi nhuận, người buôn bán thức ăn đường phố thường sử dụng những loại thực phẩm kém chất lượng, cơ sở vật chất phục vụ người tiêu dùng không đảm bảo tiêu chuẩn… khiến nguy cơ gây ngộ độc cấp tính và mạn tính cho cộng đồng luôn ở mức cảnh báo.
Trước vấn đề trên, thời gian qua Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm TPHCM đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm siết chặt quản lý về chất lượng đối với thức ăn đường phố như tập huấn kiến thức vệ sinh thực phẩm, khám sức khỏe cho các cơ sở buôn bán, đẩy mạnh thanh kiểm tra việc hoạt động của hơn 20.000 cơ sở buôn bán trên toàn địa bàn.
Thực tế triển khai trong năm 2013 và 2014 cho thấy, các đoàn đã thực hiện thanh tra hơn 16.000 cơ sở, trong đó ghi nhận tới hơn 8.000 cơ sở sai phạm về các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Các lỗi sai phạm phổ biến thường gặp, nơi kinh doanh thiếu vệ sinh, gần cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh; thức ăn được bày bán sát mặt đất, không che đậy, bảo quản; để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín; người kinh doanh thức ăn không khám sức khỏe, không được huấn luyện kiến thức về an toàn thực phẩm…
Cụ thể, có đến 74% người kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm về sổ ghi chép nguồn gốc thực phẩm; 66,73% chưa được khám sức khỏe định kỳ; 56,12% người kinh doanh thức ăn đường phố chưa được tập huấn và có giấy xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm…
Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Sở dĩ còn nhiều người kinh doanh thức ăn đường phố chưa có kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm là do chính quyền các quận huyện chưa ban hành chính sách cụ thể hỗ trợ kinh phí khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh.
Hiện thành phố đã triển khai 2 mô hình điểm về kiểm soát điều kiện an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố đang thực hiện ở phường 12 (quận 4) và phường Tân Thành (quận Tân Phú) thu hút 195 cơ sở và 286 người tham gia. Tại hai khu vực này, tỷ lệ chấp hành các tiêu chí về đảm bảo an toàn thực phẩm đã được cải thiện, mang lại sự hài lòng cho cộng đồng.
Tiếp nối thành công trên, theo dự kiến trong năm 2015 thành phố sẽ xây dựng thêm 2 khu thức ăn điểm tại phường An Lạc A (quận Bình Tân) và phường 2 (quận 3). Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động, Chi cụ Vệ sinh An toàn thực phẩm kỳ vọng trong năm 2015 tất cả các phường của 24 quận huyện sẽ dần được kiểm soát về an toàn thực phẩm thức ăn đường phố.
Nhằm khuyến khích các cơ sở buôn bán thức ăn đường phố tuân thủ chấp hành những quy định đảm bảo an toàn thực phaamtr, bà Huỳnh Mai cho biết, trong thời gian tới thành phố sẽ đẩy mạnh khám sức khỏe miễn phí cho người kinh doanh thức ăn đường phố; vận động các đơn vị tài trợ vật dụng, dụng cụ hỗ trợ kinh doanh buôn bán cho cơ sở tại mô hình điểm.
Vân Sơn