DNews

5 giờ đồng hồ "nín thở" cắt khối u gan nặng 1,5kg

Minh Nhật Ngọc Minh

(Dân trí) - Sau 3 tiếng tỉ mẩn trong từng đường dao một, các bác sĩ tiếp cận được vị trí khối u. Cuộc hội ý được tiến hành ngay trên bàn mổ để tìm ra phương án phẫu thuật an toàn nhất cho bệnh nhân.

5 giờ đồng hồ "nín thở" cắt khối u gan nặng 1,5kg

Sau quá trình kiểm tra kỹ lưỡng, ông An (tên nhân vật đã được thay đổi), 51 tuổi, sống tại Hải Phòng, được đưa vào phòng phẫu thuật.

Cách đây 2 tháng, ông An vào điều trị tại Khoa Ngoại Gan Mật - Tiêu hóa & Ung bướu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chẩn đoán ung thư gan phải và suy tim do nhồi máu mạch vành cũ chưa điều trị.

2 tháng chuẩn bị cho trận đánh quyết định

"Bệnh nhân đối mặt với khá nhiều vấn đề đan xen, đặc biệt khối ung thư gan phải lớn, không có biện pháp nào triệt để ngoài cắt bỏ.

Thể tích phần gan trái còn lại khá nhỏ, nguy cơ suy gan sau mổ gần như chắc chắn. Bệnh nhân suy tim với chỉ số phân suất tống máu thất trái (EF) chỉ 33% (chỉ số thể hiện khả năng co bóp của tim, người bình thường ít nhất phải trên 50% - PV)", BS Nguyễn Trường Giang, Khoa Ngoại Gan mật - Tiêu hóa & Ung bướu, thông tin.

Theo bác sĩ, một biện pháp tối ưu để giải quyết tức thời căn bệnh ung thư gan là bất khả thi. Đây là một cuộc chiến rất dài đối với chính bệnh nhân cũng như các y bác sĩ.

5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 1

Bệnh nhân đối mặt với khá nhiều vấn đề đan xen, đặc biệt khối ung thư gan phải lớn, không có biện pháp nào triệt để ngoài cắt bỏ (Ảnh: Minh Nhân).

Chuyên gia này phân tích, với bệnh nhân mắc ung thư gan lại có nền suy tim, việc cắt gan sẽ dẫn đến nguy cơ suy tim, suy gan phối hợp khiến bệnh nhân dễ rơi vào trạng thái nguy hiểm.

Nút động mạch gan lại rất khó hiệu quả do khối u to và phát triển lồi ra ngoài bao gan. Trong khi đó, quá trình điều trị bằng thuốc lại "chưa đem lại chuyển biến gì rõ rệt".

Tuy nhiên theo chuyên gia này, khi có một chiến lược phối hợp giữa nhiều chuyên khoa và phương pháp điều trị, cuộc chiến với ung thư có thể diễn biến theo một hướng khác.

Trước ca phẫu thuật này, các bác sĩ đã trải qua nhiều "trận đánh nhỏ" để tăng dần cơ hội thắng.

Bệnh nhân đã được khám và điều trị bằng thuốc tim mạch tại Bệnh viện Tim Hà Nội với dự kiến chức năng tim cải thiện rõ rệt sau 3 tháng. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để nút tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch gan phải nhằm mục tiêu làm phì đại phần gan bên trái sau 3 - 4 tuần.

Đồng thời, các bác sĩ cũng nút động mạch cấp máu cho khối u của bệnh nhân để kiềm chế sự phát triển trong thời gian chờ đợi.

5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 2

Bác sĩ giải thích cho gia đình bệnh nhân cắt gan trước ca mổ (Ảnh: Thanh Đặng).

Sau một tháng, chức năng tim của bệnh nhân có cải thiện nhưng khối u phải vẫn còn ngấm thuốc nhiều, các bác sĩ quyết định nút động mạch thêm một lần nữa. "Lần nút mạch này khá dữ dội, bệnh nhân gần sát ngưỡng suy gan", BS Giang nhớ lại.

Lại đợi thêm 4 tuần nữa, chỉ số EF đã lên được 42%, tuy còn thấp nhưng đã ở ngưỡng chấp nhận được. Kích thước gan trái đã tăng lên gần gấp đôi, đủ cho cơ thể.

Tuy khối u vẫn phát triển nhưng các bác sĩ quyết định: Chuẩn bị như vậy là đủ.

Đồng hồ đã điểm, "cuộc chiến" bắt đầu

8h30 ngày 27/6, bệnh nhân bước vào ca phẫu thuật cắt bỏ gan phải. Ê kíp phẫu thuật gồm 3 người, trong đó BS Nguyễn Trường Giang là phẫu thuật viên chính. Ê kíp gây mê gồm có 2 y bác sĩ.

Bệnh nhân được kiểm tra đầy đủ mọi chỉ số sức khỏe. Khi đảm bảo đã đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật, đúng 9h, BS Phạm Quang Vũ tiến hành thủ thuật giảm đau ngoài màng cứng và gây mê nội khí quản.

5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 3
5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 4

Phương pháp giảm đau ngoài màng cứng được sử dụng nhằm tạo ra một khu vực không cảm giác tại vị trí mổ và giúp bệnh nhân hạn chế cảm giác đau sau khi phẫu thuật.

Trong khi đó, gây mê nội khí quản là phương pháp gây mê được sử dụng trong các ca phẫu thuật phức tạp hoặc kéo dài. Phương pháp này đảm bảo bệnh nhân mất ý thức trong suốt quá trình phẫu thuật, không có cảm giác đau đớn.

5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 5

Bác sĩ bôi thuốc sát trùng lên khu vực phẫu thuật (Ảnh: Minh Nhân).

Bằng việc đưa thuốc gây mê qua đường hô hấp, bệnh nhân được duy trì hơi thở và huyết áp ổn định trong suốt thời gian giải phẫu.

Sau khi kiểm tra và xác định tình trạng của bệnh nhân sau gây mê đã đảm bảo, BS Giang bắt đầu mở ổ bụng bệnh nhân với vết mổ có chiều dài khoảng 30cm.

5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 6

Bác sĩ rạch đường dao đầu tiên bắt đầu ca phẫu thuật (Ảnh: Minh Nhân).

Vết mổ được rạch theo đường chữ J giúp tiếp cập toàn diện, dễ dàng hơn các cơ quan và cấu trúc bên trong bụng. Kỹ thuật này cung cấp đủ không gian cho các bác sĩ thực hiện ca giải phẫu phức tạp như cắt bỏ tế bào ung thư.

5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 7

Vết mổ được rạch theo đường chữ J giúp tiếp cập toàn diện (Ảnh: Minh Nhân).

Để tiếp cận khối u, các bác sĩ phải mở từng lớp cấu trúc ở vùng bụng bệnh nhân. Từng đường rạch đòi hỏi sự tập trung cao độ, nhằm hạn chế sự xâm lấn tới các tổ chức xung quanh.

5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 8

Từng thao tác đòi hỏi sự tập trung cao độ (Ảnh: Minh Nhân).

Sau 3 tiếng tỉ mẩn trong từng đường dao một, các bác sĩ tiếp cận được vị trí khối u. Cuộc hội ý được tiến hành ngay trên bàn mổ để tìm ra phương án phẫu thuật an toàn nhất cho bệnh nhân.

5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 9

Sau 3 tiếng tỉ mẩn trong từng đường dao một, các bác sĩ tiếp cận được vị trí khối u (Ảnh: Minh Nhân).

"Cắt gan phải là một ca phẫu thuật nặng, lại tiến hành trên nền bệnh nhân suy tim nên nguy cơ trong mổ là rất cao. Cần tránh tối đa việc mất máu lớn, phải truyền dịch ồ ạt quá sức chịu đựng của tim", BS Giang nhấn mạnh.

Hàng loạt thách thức được đặt ra. Các bác sĩ phải cần hết sức thận trọng để tránh việc di động gan gây xoắn vặn cuống gan và chèn ép tĩnh mạch chủ dưới, ảnh hưởng tới lưu lượng máu về tim.

Không chỉ các phẫu thuật viên, ở cạnh đó bác sĩ gây mê cũng đang theo dõi chặt từng chỉ số sinh tồn của bệnh nhân. Mọi biến động nhỏ đều phải được cảnh giác vì "sai một ly đi một dặm".

Quyết định xong phương án cấp cứu cho trường hợp xấu có thể xảy ra, các bác sĩ tiếp tục bước vào cuộc chiến sinh tử. Một bên là bệnh nhân đang đối mặt với tử thần, một bên là những "thiên thần áo trắng" đang gắng sức từng giây, từng phút.

Tập trung cao độ, đôi bàn tay khéo léo, cẩn trọng trong từng hành động, đôi mắt không ngừng dõi theo các chỉ số, các y bác sĩ đưa người bệnh nhích dần từng bước về phía sự sống.

5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 10

Các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân được giám sát chặt (Ảnh: Minh Nhân).

Mở đầu của việc cắt bỏ gan phải, các bác sĩ thực hiện cắt túi mật, phẫu tích các thành phần trong bao Glisson và phẫu tích cuống Glisson phải ngoài gan.

5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 11
5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 12

Xong bước một, các bác sĩ tiếp tục làm thủ thuật treo gan, cắt gan theo ngả trước dọc bờ phải tĩnh mạch gan giữa tới sát mặt trước tĩnh mạch chủ dưới.

Sau khi hoàn thành công đoạn cắt gan, kíp mổ khéo léo cắt các cuống Glisson phân thùy trước, sau, củ đuôi, thắt các nhánh tĩnh mạch gan ngắn và cặp cắt tĩnh mạch gan phải.

5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 13

Cắt gan phải là một ca phẫu thuật nặng, lại tiến hành trên nền bệnh nhân suy tim nên nguy cơ trong mổ là rất cao (Ảnh: Minh Nhân).

Dù đã đến những khâu cuối cùng của ca phẫu thuật, áp lực "sinh tử" vẫn đè nặng lên thao tác của các bác sĩ. Sự tập trung thể hiện rõ qua ánh mắt của các y bác sĩ.

"Phút cuối không đồng nghĩa với thành công. Bệnh nhân có nền suy tim luôn phải đối mặt với ngưỡng cửa tử thần trên bàn mổ, đòi hỏi chúng tôi không được phép mất tập trung. Để xảy ra bất kỳ sơ xuất nhỏ nào cái giá phải đánh đổi có thể chính là sinh mệnh của người bệnh", BS Giang nói.

5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 14

Phút cuối không đồng nghĩa với thành công (Ảnh: Minh Nhân).

Bước quyết định đã đến, các phẫu thuật viên giải phóng gan phải khỏi thành bụng bệnh nhân. Sau đó, kíp mổ đặt 2 dẫn lưu điện cắt gan trước khi hoàn thành ca phẫu thuật.

Cuộc chiến chưa kết thúc

Sau 5 giờ đồng hồ căng như dây đàn, BS Giang đóng mũi chỉ cuối cùng kết thúc ca phẫu thuật. Khối u gan được cắt bỏ an toàn nặng 1,5kg.

5 giờ đồng hồ nín thở cắt khối u gan nặng 1,5kg - 15

Khối u gan được cắt nặng gần 1,5kg

14h, cánh cửa phòng phẫu thuật dần mở, các bác sĩ trong chiếc áo xanh đặc trưng của phòng mổ bước ra, thở phào.

"Nếu hỏi ca mổ này có kịch tính không, có hoành tráng không, khốc liệt không, mất máu nhiều không, xử lý thế nào?, tôi chỉ biết cười trừ", BS Giang chia sẻ sau ca phẫu thuật.

"Những khó khăn đã được các đồng nghiệp xử lý từ vài tháng nay, việc của tôi chỉ là thật cẩn thận đừng phá hoại thành quả của họ", anh nói.

Chuyên gia này nhấn mạnh rằng, đôi khi việc chuẩn bị kỹ lưỡng còn quan trọng hơn ca phẫu thuật. Anh dẫn chứng câu nói của người xưa: "Tìm thắng lợi trước rồi mới tìm cuộc chiến".

Điều trị ung thư là một quá trình đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa và cần có một chiến lược lâu dài. Những trường hợp phức tạp đòi hỏi quá trình này kéo dài đến vài tháng, bao phủ nhiều chuyên ngành. Thêm vào đó, bác sĩ điều trị phải nhìn xa hơn lĩnh vực chuyên sâu của mình để tìm ra một giải pháp phù hợp.

Ca mổ đã kết thúc nhưng bệnh nhân và các bác sĩ vẫn còn một cuộc chiến dài phía trước cần đối mặt. "Công việc của chúng tôi là chuẩn bị cho cuộc chiến tốt nhất có thể", BS Giang nói.

Nội dung: Minh Nhật - Ngọc Minh

Ảnh: Minh Nhân

Ảnh: Minh Nhân