4,6% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu từ ngành y tế

Hà An

(Dân trí) - Các cơ sở y tế vừa là đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai và biến đổi khí hậu đồng thời cũng góp phần gây ra các vấn đề về môi trường.

Ngày 22/12, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế, tổ chức hội thảo xin ý kiến góp ý dự thảo hướng dẫn xây dựng cơ sở y tế thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng xanh và bền vững với môi trường. 

TS Lỗ Văn Tùng, Trưởng khoa sức khỏe môi trường và cộng đồng, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết, biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu và ngày càng thể hiện các ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Nước ta đã hứng chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, như mưa bão, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn.

Việt Nam đã tham gia Liên minh hành động chuyển đổi về biến đổi khí hậu và sức khỏe (ATACH) để giúp hệ thống y tế góp phần thực hiện mục tiêu của đất nước đạt mức phát thải khí carbon bằng 0 vào năm 2050

4,6% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu từ ngành y tế - 1

Ông Tôn Tuấn Nghĩa, cán bộ kỹ thuật Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (Ảnh: H.L).

Ông Tôn Tuấn Nghĩa, cán bộ kỹ thuật Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, 4,6% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu là từ ngành y tế. Nếu coi ngành y tế là một quốc gia thì đó sẽ là quốc gia phát thải lớn thứ 5 trên trái đất này.

Các cơ sở y tế sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 từ ngành y tế.

"Chuyển đổi sang năng lượng sạch, tái tạo là một trong các can thiệp lớn nhất mà chúng ta có thể làm, không chỉ để giảm phát thải mà còn cải thiện kết quả dịch vụ y tế. Tuy nhiên, cơ sở y tế còn phát thải khí nhà kính từ các nguồn khác như thiết bị làm lạnh, khí gây mê, chất thải và thiết bị cung ứng y tế", ông Nghĩa nhấn mạnh. 

4,6% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu từ ngành y tế - 2

Các ống xịt mũi riêng lẻ có thể phát thải rất nhỏ, tác động tổng thể thì lại rất lớn (Ảnh: H.L).

Việc tái sử dụng thiết bị y tế và đồ bảo hộ lao động theo quy định có thể vừa an toàn vừa hiệu quả kinh tế. Bằng cách tái sử dụng, tái chế, các cơ sở y tế có thể giảm chất thải và giảm phát thải carbon mà không gây mất an toàn cho bệnh nhân.

Theo ông, thực hành xây dựng bền vững tuy có thể đòi hỏi đầu tư ban đầu cao nhưng có thể mang lại sự tiết kiệm lâu dài và các lợi ích môi trường. Các đặc điểm như chiếu sáng hiệu quả năng lượng, cách nhiệt… có thể giảm chi phí vận hành rất đáng kể.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý trong khi các ống xịt mũi riêng lẻ có thể phát thải rất nhỏ, tác động tổng thể thì lại rất lớn. Các nhà cung cấp dịch vụ y tế có thể làm giảm tác động này bằng cách chuyển đổi sang các loại ống xịt thân thiện môi trường hơn. 

Theo WHO, các bệnh viện và trạm y tế là đối tượng dễ bị tổn thương trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Vì vậy việc triển khai thực hiện nhanh chóng các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu là hết sức cấp thiết. Nhưng những cơ sở này cũng đang góp phần gây ra các vấn đề về môi trường. 

Nếu giải quyết được các nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, các nước có thể thu được lợi ích sức khỏe to lớn. Vì thế, cần thiết phải giảm lượng khí thải carbon và lượng chất thải xả ra môi trường của ngành y tế.