40% cơ sở y tế không đạt chuẩn hệ thống xử lý nước thải

(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong 13.000 cơ sở y tế trên cả nước có khoảng 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, 40% còn lại vẫn chưa đạt.

Tại hội thảo góp ý vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các bệnh viện công lập diễn ra ngày 30/3, đại diện bệnh viện chỉ ra nhiều bất cập trong xử lý nước thải bệnh viện hiện nay.

Hệ thống xử lý nước thải y tế trong bệnh viện. Ảnh: Internet
Hệ thống xử lý nước thải y tế trong bệnh viện. Ảnh: Internet

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Bạch Mai), áp dụng hình thức xử lý nước thải theo mô hình như hiện nay có rất nhiều bất cập do Nhà nước không đủ nguồn lực đầu tư. Hơn nữa, có đầu tư thì cũng không đủ nhân lực để vận hành, quản lý vận hành.

Bởi hiện nay, việc xử lý nước thải y tế, đa số các bệnh viện tự vận hành và nhân viên xử lý chính là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong bệnh viện nên không thể đảm bảo chất lượng tốt như thuê dịch vụ.

Như tại BV Bạch Mai hiện đang được đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải (sử dụng chung cho cụm 5 bệnh viện xung quanh) với nguồn vốn 70-80 tỷ đồng từ ngân sách.

“Khi làm xong phải thuê đơn vị chuyên môn vận hành mới mang lại hiệu quả bởi nếu để nhân viên y tế vận hành, vừa không có chuyên môn, không có máy móc thiết bị để quan trắc, chưa kể bảo hành, sửa chữa hỏng hóc lớn khó kịp thời…”, ông Hùng nói.

Cùng quan điểm này, ông Nghiêm Trần Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị cho rằng các vấn đề về chi phí, con người đến tổ chức vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế trong bệnh viện còn rất nhiều vấn đề.

Theo ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), kết quả nghiên cứu đánh giá độc lập của Viện với gần 100 bệnh viện trên cả nước cho thấy, vấn đề tồn tại lớn nhất trong công tác xử lý nước thải y tế chính là khâu vận hành.

“Việc để các bệnh viện tự bố trí cán bộ vận hành hệ thống xử lý nước thải, cán bộ vận hành không có chuyên môn, không được chuẩn hóa thì rất khó đảm bảo các chỉ tiêu nước đầu ra”, ông Hải nói.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, năng lực quản lý vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế của các bệnh viện còn nhiều hạn chế do thiếu cán bộ chuyên môn, nhân viên phụ trách không ổn định, nhiều hệ thống hỏng hóc không được bảo hành bảo trì kịp thời... và nhiều lãnh đạo BV còn chưa coi trọng việc đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, mục tiêu Bộ Y tế đặt ra đến năm 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu về môi trường.

Trước vấn đề còn tồn tại về vận hành xử lý nước thải y tế, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ban hành cơ chế chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế và xây dựng nội dung dự thảo Quyết đinh, dự thảo Tờ trình Quyết định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các bệnh viện công lập, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện.

Theo dự thảo này, các bệnh viện công lập trên cả nước sẽ được phép thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế bảo đảm yêu cầu về chất lượng dịch vụ, nước thải đầu ra sau xử lý phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Kinh phí chi trả thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế tại các bệnh viện sẽ được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.

Tú Anh