30% chẩn đoán và điều trị sản khoa thiếu chính xác
(Dân trí) - Tỉ lệ tử vong cao ở mẹ do chẩn đoán và điều trị thiếu chính xác; những hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ… là động lực chính thúc đẩy dự án “Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ” được triển khai tại tuyến TƯ và 14 tỉnh khác.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong mẹ tại Việt Nam cao hơn nhiều so với con số báo cáo chính thức. Trong đó, 76% ca tử vong mẹ là do nguyên nhân trực tiếp (chủ yếu là băng huyết, sản giật và nhiễm khuẩn). Đặc biệt, riêng khu vực miền núi và Tây Nguyên đã chiếm tới 60% trong tổng số mẹ chết do các nguyên nhân này.
Kết quả nghiên cứu mới nhất này cũng rất đáng chú ý khi có khoảng 48% tử vong mẹ xảy ra với các ca đẻ thường và khoảng 48,7% chết tại các cơ sở y tế (chủ yếu là bệnh viện huyện và bệnh viện tỉnh). Số mẹ bị tử vong do sinh tại nhà cũng chiếm khoảng 27,5%.
Về tử vong sơ sinh, một nghiên cứu khác cho thấy 3 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ là đẻ non/trẻ nhẹ cân (chiếm 21,5%), ngạt (17,5%) và không rõ nguyên nhân (16,5%). Con số này không chỉ cho thấy nguy cơ gây tử vong cao và các hậu quả có thẻ xảy ra cho sức khoẻ trẻ em mà còn cho thấy những hạn chế trong công tác chăm sóc thai nghén cho các bà mẹ.
Theo một số kết quả bệnh án tại các bệnh viện tỉnh và huyện do Vụ sức khoẻ sinh sản của bộ y tế tiến hành thì có khoảng 30% chuẩn đoán và điều trị tai biến và cấp cứu sản khoa của các bác sĩ tại cơ sở có thể là thiếu chính xác.
Kết quả nghiên cứu còn chỉ ra những chứng cứ khá rõ ràng: về sự hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, ngay cả việc tiếp cận với các phương tiện và điều kiện cấp cứu, mà đây là nguyên nhân chiếm phần lớn trong các ca tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng của HIV/AIDS cũng đang và sẽ là nguyên nhân gây tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã cho phê duyệt chương trình “Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh, hướng tới mục tiêu thiên niên kỷ”. Đây là dự án do chính phủ Hà Lan tài trợ với kinh phí gần 10 triệu USD.
Chương trình này được thực hiện tại TƯ và 14 tỉnh (trong đó có 10 tỉnh miền núi phía Bắc và 4 tỉnh Tây Nguyên - nơi có tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh cao nhất hiện nay).
Mục tiêu đặt ra của dự án là sau 4 năm thực hiện (2006-2010), sẽ giảm 50% tỷ lệ tử vong từ mức hiện tại; giảm 20% tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh từ mức hiện tại và giảm 25% số trẻ nhẹ cân từ mức hiện tại.
Đối với các khu vực tỉnh thành tham gia dự án, mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong mẹ từ 411/100.000 xuống còn 200/100.000 tại các tỉnh miền núi phía Bắc; 178/100.000 xuống dưới 100/100.000 tại khu vực Tây Nguyên. Tỷ lệ tử vong trẻ từ 31,6% xuống còn 22/1000 tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Lan Hương