3 nguyên tắc để không ngộ độc hải sản ngày Tết

(Dân trí) - Ngày Tết, ngoài thịt mỡ, dưa hành bánh chưng xanh, nhiều gia đình tích trữ hải sản ăn cho đỡ “ngấy”. Dưới đây là 3 nguyên tắc cần thực hiện theo để đảm bảo ăn hải sản an toàn, không phải xông đất bệnh viện ngày Tết.

Đảm bảo độ tươi sống

Hải sản nói chung là các loại thực phẩm nguồn gốc từ động vật rất giàu chất đạm (protein). Vì thế khi hải sản bị chết hoặc bảo quản ở nhiệt độ thông thường dễ bị các vi khuẩn xâm nhập và phát triển nên dễ gây bệnh.

Đặc biệt, với một số loại hải sản như cá ngừ, cá thu, vi khuẩn thậm chí biến thịt của cá thành chất độc (axit amin histidin thành chất độc histamine). Do không phân huỷ khi đun nấu nên khi ăn hải sản có nhiều histamine, chất này được hấp thu nhanh vào máu và gây các biểu hiện giống dị ứng nhưng thực chất là ngộ độc như nóng bừng, đỏ da, đau đầu, khó thở...


Các loại hải sản đều được khuyến khích sử dụng khi còn tươi và ăn khi nấu chín.

Các loại hải sản đều được khuyến khích sử dụng khi còn tươi và ăn khi nấu chín.

Vì thế, hải sản cần được bảo quản đông lạnh liên tục từ khi còn sống tới khi mua về; chưa quá hạn sử dụng sẽ giúp phòng được nguy cơ ngộ độc cho chất độc trong hải sản chết gây ra.

Phải nấu chín

Do là một thực phẩm giàu đạm, nên các vi khuẩn rất dễ phát triển trong hải sản. Mặc dù có một số cách chế biến đủ tiêu diệt các vi trùng nhưng khi chế biến thủ công, nhất thiết phải bằng đun nấu để tránh miệng nôn trôn tháo.

Lưu ý là việc ăn gỏi hải sản từ gỏi hàu, sò huyết, tôm, bạch tuộc… không phát huy hiệu quả “tốt cho quý ông” hơn cách nấu chín bởi kẽm, một chất rất tốt cho phong độ quý ông, không mất đi trong quá trình đun nóng.

Chỉ ăn hải sản không có chất độc

Đây cũng là một lưu ý bởi rất nhiều người thích khám phá các loại hải sản lạ, hoặc chưa từng ăn trước đó, hoặc là loại hải sản ít được ăn. Hãy cân nhắc trước khi ăn thử bởi bằng mắt thường và cảm giác khi ăn uống sẽ không thể phát hiện được chúng có chất độc không.

Ngoài ra, không nên thử các loại hải sản chắc chắn có độc như: cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sam biển, sao biển… bởi các loại độc tố này thường không bị phá hủy khi đun nấu hay các cách chế biến thông thường.

Biểu hiện của ngộ độc hải sản rất đa dạng: từ đau bụng, nôn, ỉa chảy, sốt đến các biểu hiện thần kinh như tê môi lưỡi, co giật, liệt, mờ mắt, lẫn lộn, hôn mê, hay tim mạch như loạn nhịp tim, tụt huyết áp, hay hô hấp như khó thở, thậm chí tử vong.

Hãy vào viện ngay khi có bất cứ sự bất thường nào trầm trọng về sức khỏe sau khi ăn hải sản.

Hồng Hải