3 loại ung thư có tính di truyền cao, cần đề phòng nếu người thân mắc phải
(Dân trí) - Nếu một người mang gen ung thư, họ sẽ có nguy cơ khởi phát bệnh cao hơn người bình thường, khi tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư trong cuộc sống.
Theo bác sĩ ung bướu, bệnh ung thư không di truyền trực tiếp, mà hiểu một cách chính xác hơn thì gen làm tăng khả năng ung thư (thường được gọi là “gen ung thư”) được di truyền.
“Nếu một người mang gen ung thư, họ sẽ có nguy cơ khởi phát bệnh cao hơn người bình thường, khi tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư trong cuộc sống như: thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường, chất phóng xạ,...”, bác sĩ này chia sẻ.
Tránh hiểu lầm gia đình có nhiều người bị mắc cùng 1 loại ung thư thì chắc chắn đó là loại ung thư di truyền. Cần biết rằng, các yếu tố như tuổi tác, lối sống, môi trường sống, chế độ ăn uống… cũng có tác động lớn đến nguy cơ ung thư. Nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ chỉ ra rằng, các trường hợp ung thư có thể di truyền, theo cách hiểu ở trên, chiếm khoảng 5%-10% các bệnh ung thư.
Khả năng di truyền của các loại ung thư là không giống nhau. Dưới đây là 3 loại ung thư có tính di truyền cao, mà chúng ta cần đặc biệt cảnh giác nếu người thân mắc phải.
Ung thư đại trực tràng là một loại ung thư có tính di truyền cao. Khoảng 5% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có yếu tố di truyền về gen, với hai hội chứng chính hay gặp:
Thứ nhất là hội chứng Lync. Hội chứng này là nguyên nhân của 2-4% ca ung thư đại trực tràng, thường do di truyền sự khiếm khuyết ở một gen MNH1 hoặc MSH2... Sự đột biến ở những gene khác cũng có thể gây hội chứng này.
Nhóm thứ hai là hội chứng đa polyp có tính chất gia đình. Nguyên nhân do đột biến gene APC, di truyền từ bố mẹ sang con. Gene APC ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng và có sự đột biến. Nó chiếm khoảng 1% ca ung thư đại trực tràng.
Theo các chuyên gia, ung thư vú là bệnh có khuynh hướng di truyền rõ rằng. Các bà mẹ bị ung thư vú thì con gái họ cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 2-3 lần trường hợp khác. Thậm chí, rủi ro khởi phát ung thư vú ở con gái còn tăng cao hơn nhiều trong trường hợp mẹ mắc bệnh trước tuổi mãn kinh.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự đột biến gen bẩm sinh có liên quan đến gen BRCA1 và BRCA2 làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Nhóm gen BRCA là mã di truyền để tổng hợp protein có nhiệm vụ sửa chữa các ADN bị hư hại. Khi có sự đột biến của một trong hai gen này, quá trình “sửa chữa” sẽ bị trở ngại và ung thư có thể xảy ra. Theo thống kê, nguy cơ phát triển ung thư vú đối với phụ nữ cao tuổi mang 1 gen BRCA khoảng 56-85%.
Dữ liệu thu thập từ thực tế cho thấy, có đến 5%-10% ung thư dạ dày là do di truyền. Nếu vợ/chồng hoặc cả 2 bị ung thư dạ dày ở tuổi dưới 50, thì con cái họ cũng cần cảnh giác với căn bệnh này. Do đó, cần chú ý tránh xa các yếu tố nguy cơ của bệnh như: rượu bia, hút thuốc lá, chế độ ăn không lành mạnh, ăn đồ quá nóng …