3 bệnh ung thư “sát thủ” hàng đầu với đàn ông Việt

(Dân trí) - Ung thư gan, phổi, dạ dày là 3 bệnh ung thư phổ biến nhất của nam giới nước ta. Đồng thời, tỷ lệ tử vong cao do bệnh khó phát hiện sớm.

1. Ung thư gan

Ung thư gan vượt ung thư phổi trở thành bệnh ung thư thường gặp nhất ở nước ta. Bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ tử vong rất cao.

Ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển:

- Chán ăn

- Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải

- Chướng bụng

- Vàng da, củng mạc mắt,…

3 bệnh ung thư “sát thủ” hàng đầu với đàn ông Việt - 1

Trong giai đoạn muộn hơn của ung thư gan, các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh:

 - Sụt cân

- Buồn nôn, nôn

- Mệt mỏi

- Chán ăn

- Chướng bụng

- Đau, nặng tức vùng hạ sườn phải

- Ngứa

- Vàng da, củng mạc mắt

- Đi ngoài phân trắng/bạc màu.

Bệnh ở giai đoạn thường không có nhiều dấu hiệu rõ ràng, dễ gây lầm tưởng với bệnh lý thông thường khác do đó người bệnh thường ít chú ý. 

Ung thư gan là bệnh có tiên lượng xấu, tiên lượng bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để phát hiện bệnh, người dân nên đi tầm soát ung thư gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao (xơ gan, viêm gan mạn do rượu, viêm gan virus B, C,…).

2. Ung thư phổi

Ung thư phổi được xếp vào loại ung thư khó phát hiện sớm. Dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, song tiên lượng bệnh vẫn còn dè dặt. Tiền sử bệnh, thể trạng, loại mô học ung thư phổi, giai đoạn, phương pháp và phản ứng với điều trị là các tác nhân đóng vai trò tiên lượng trong bệnh lý ác tính này. Nó là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. 

3 bệnh ung thư “sát thủ” hàng đầu với đàn ông Việt - 2

Trong giai đoạn sớm, bệnh phát triển âm thầm, các triệu chứng nghèo nàn hoặc không có triệu chứng. Dấu hiệu gợi ý thường là nam giới trên 40 tuổi, nghiện thuốc lá, thuốc lào, ho khan kéo dài, có thể có đờm lẫn máu, điều trị kháng sinh không hiệu quả.

Giai đoạn tiến triển

Triệu chứng đa dạng tùy theo vị trí u, mức độ lan rộng của tổn thương. Người bệnh có thể thấy đau ngực, đau dai dẳng, cố định một vị trí; kèm thêm khó thở khi khối u to, chèn ép, bít tắc đường hô hấp.

Khó nuốt, nuốt đau, khàn tiếng, tim đập nhanh, đau vai lan mặt trong cánh tay, rối loạn cảm giác, toàn thân mệt mỏi, gầy sút, sốt… cũng có thể là triệu chứng của bệnh.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương bệnh khó sàng lọc phát hiện sớm. Vì thế, chiến lược phòng chống ung thư phổi chủ yếu là không hút thuốc lá, thuốc lào. Những người có nguy cơ cao (nghiện thuốc) có thể làm xét nghiệm tìm tế bào ác tính trong đờm, xét nghiệm máu tìm một số chất chỉ điểm khôi su, chụp X-quang phổi hàng năm. 

3. Ung thư dạ dày

Tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn cao, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém, kinh phí điều trị lớn. Bệnh được sếp vào nhóm khó phát hiện sớm. 

Triệu chứng ban đầu là triệu chứng viêm niêm mạc dạ dày rất mơ hồ, không đặc hiệu như đau âm ỉ vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, hay đầy bụng, đau bụng có hoặc không phụ thuộc vào thời tiết hoặc no hay đói. 

Dấu hiệu của ung thư dạ dày:

- Đầy tức bụng

- Chán ăn

- Sụt cân chưa rõ nguyên nhân, mệt mỏi

- Nôn ra máu

- Ợ chua, đầy bụng sau khi ăn

- Đi ngoài phân bất thường

Theo GS Đức, những người có nguy cơ cao (tiền sử viêm loét dạ dày, đau vùng thượng vị, ậm ạch khó tiêu, nôn hoặc buồn nôn… điều trị nội khoa không khỏi) cần soi dạ dày để phát hiện ung thư. 

Hà An