1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

2 tuần căng thẳng cứu nạn nhân tai nạn giao thông “không còn cơ hội”

(Dân trí) - Anh Nguyễn Thế Tuấn, con trai bệnh nhân Trần Thị Khai (56 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) cho biết sau tai nạn mẹ anh được đưa vào BV 105 cấp cứu. “Các bác sĩ đã thông báo là chấn thương rất nặng, khó có khả năng cứu chữa nhưng còn nước còn tát, chuyển lên BV Việt Đức xem còn cơ hội không”.


Bà Khải đã bình phục nhờ quyết định mạo hiểm của các bác sĩ điều trị. Ảnh: Tú Anh

Bà Khải đã bình phục nhờ quyết định mạo hiểm của các bác sĩ điều trị. Ảnh: Tú Anh

Bệnh nhân được đưa đến BV Việt Đức trong tình trạng đa chấn thương. Phim chụp Xquang và CT scan cho thấy có tràn máu và khí màng phổi; đụng dập phổi trái nặng; gãy nhiều xương sườn và có chảy máu não.

Sau 2 ngày điều trị trong phòng cấp cứu không tiến triển, bệnh nhân được chuyển đến đơn vị Hồi sức tích cực 2- Trung tâm Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa. Nhưng ở ngày thứ 5 sau tai nạn, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện suy hô hấp cấp tiến triển và thiếu ôxy máu rất nặng trong khi các tổn thương trong não đã tạm thời ổn định, tri giác bệnh nhân tiến triển tốt, không xấu đi. Dù đã áp dụng đủ các biện pháp cấp cứu nhưng ôxy máu không cải thiện, phương án cuối cùng được cân nhắc là kỹ thuật ECMO- chạy máy phổi nhân tạo ngoài cơ thể.

TS.BS Vũ Hoàng Phương, Đơn vị Hồi sức tích cực 2, Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, cho biết, chỉ còn một cơ hội cuối cùng là ECMO - nhưng cũng không chắc chắn bởi phương pháp này thường chống chỉ định với bệnh nhân có chấn thương sọ não, nhất là khi có chảy máu não.

Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch - lồng ngực (BV Việt Đức) cho biết, kỹ thuật ECMO được chỉ định làm trong nhiều nhóm bệnh, có những nhóm thành công đến 60%, nhưng có nhóm bệnh như tình trạng bệnh nhân Khải chỉ được 15 - 20%.

Nhưng cuối cùng, được sự đồng ý của người nhà, các bác sĩ đã quyết định mạo hiểm để người bệnh có cơ hội sống.

Để phòng biến chứng xuất huyết não, các bác sĩ sử dụng liều thuốc chống đông thấp hơn so với liều khuyến cáo, gần như bằng mức của người bình thường, khi thực hiện ECMO. Sau 7 ngày hỗ trợ bằng kỹ thuật này, bệnh nhân đã tỉnh lại và không có biến chứng nào.

“Quả thực là quá may mắn bởi tỉ lệ thất bại là quá lớn (80-85%). Chúng tôi đã cân nhắc, đắn đo vì không làm thì bệnh nhân chết mười mươi. Đến nay, sau 4 tuần điều trị bệnh nhân đã được xuất viện khỏe mạnh”, TS Ước chia sẻ.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm