2 người tử vong, 1 người nguy kịch vì uống rượu
(Dân trí) - BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, chỉ trong vòng 5 ngày, Trung tâm tiếp nhận 3 bệnh nhân ngộ độc rượu, trong đó 2 người đã tử vong. Bệnh nhân còn lại cũng đang trong tình trạng nguy kịch bởi huyết áp tụt, nồng độ methanol trong máu cao chót vót.
Không tìm thấy rượu trong máu bệnh nhân ngộ độc rượu?
Bệnh nhân L.X.G (46 tuổi, quê Nam Định, làm bảo vệ trường học ở khu vực Cầu Giấy) được đưa vào viện hôm 4/9, trong tình trạng đã ngừng tim sau khi uống rượu trắng mua tại khu vực này. Sau khi cấp cứu, hồi sức tim bệnh nhân đã đập trở lại. Tuy nhiên bệnh nhân đã tử vong sau một ngày nằm viện vì bệnh diễn biến nặng, nồng độ methanol trong máu 52,15mg/dl.
Trong ngày 7/9, thêm hai bệnh nhân ngộ độc rượu được đưa vào viện. Trong đó bệnh nhân nữ Đ.T.L (sinh năm 1974, Thanh Xuân, Hà Nội) vào viện trong tình trạng đã ngừng tim. Theo người nhà, bệnh nhân mua rượu tại khu vực sau bách hóa Thanh Xuân. Nồng độ methanol trong máu bệnh nhân rất cao, 135,9mg/dl.
Bệnh nhân còn lại là N.X.L (sinh năm 1968, Hải Dương) có tiền sử nghiện rượu, không biết uống rượu ở đâu, hôn mê, tổn thương não do methanol, với nồng độ 132,6mg/dl. Hiện bệnh nhân vẫn đang rất nguy kịch vì huyết áp tụt, não tổn thương nhiều.
“Đáng nói, cả 3 bệnh nhân này, kết quả xét nghiệm đều không tìm thấy ethanol trong máu. Cho thấy bệnh nhân uống rượu mà lại không có rượu, chỉ thấy hàm lượng cồn công nghiệp trong máu”, BS Nguyên nói.
Trung tâm chống độc đã báo với Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, cảnh sát môi trường và hiện các cơ quan này đang rà soát, kiểm tra nhằm truy tìm nguồn gốc rượu trắng mà các bệnh nhân đã uống.
Theo BS Nguyên, các ca ngộ độc rượu, trong đó có rượu methanol vẫn rải rác nhập viện suốt thời gian qua. Trong 6 tháng đầu năm 2017, số bệnh nhân ngộ độc rượu methanol bằng cả năm 2016 với 48 ca. Chưa kể các bệnh nhân ở các viện khác gửi kết quả xét nghiệm, hội chẩn là 10 bệnh nhân.
Trong khi đó, rượu trôi nổi dân uống phổ biến nhất hiện nay. Vì thế BS Nguyên cho rằng không chỉ có các bệnh nhân vào viện ngộ độc, mà có thể nhiều người khác, chết không rõ nguyên nhân bởi xét nghiệm tìm methanol không dễ dàng. Ở những người nghiện rượu nguy cơ uống phải rượu này càng cao hơn do uống số lượng lớn, uống liên tục.
Tử vong cao, nhiều di chứng
Tỉ lệ bệnh nhân tử vong do ngộ độc methanol rất cao. Như vụ ngộ độc rượu có methanol trong đám cưới tại Lai Châu, tử vong gần 50%. Tại Trung tâm chống độc, tỉ lệ tử vong 30% dù đã được điều trị tốt nhất. Ngoài ra các di chứng mù mắt, tổn thương não, di chứng thần kinh kéo dài hầu hết bệnh nhân đều bị.
Câu hỏi đặt ra, tại sao bệnh nhân ngộ độc rượu có methanol hậu quả lại nặng nề vậy? Đây là vấn đề phát hiện sớm rất khó. Khác với ở nước ngoài, họ không có rượu giả pha methanol, chỉ có những ca trực tiếp uống chất lau rửa kính (có methanol) lập tức họ biết và đưa bệnh nhân đến viện dù chưa có triệu chứng. Việc chữa sớm giúp người bệnh không bị tổn thương não, mù mắt.
Ngược lại ở Việt Nam, methanol bị trà trộn vào rượu uống. Bản thân người uống không biết trong rượu có methanol. Vì thế, khi đã có những dấu hiệu như mờ mắt, hôn mê khi đó mới đưa đến viện thì đã quá muộn.
Quản lý được cồn công nghiệp sẽ không còn những cái chết oan uổng vì methanol
BS Nguyên chia sẻ, mỗi khi tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu có methanol, bác sĩ vất vả điều trị, báo chí truyền, an toàn thực phẩm kiểm tra, cảnh sát môi trường vào cuộc… nhưng tất cả đều là phần ngọn. Để giải quyết được vấn đề này, quản lý được hóa chất cồn công nghiệp mới là gốc của vấn đề, sẽ không còn những cái chết oan uổng vì methanol.
“Trong rượu nấu của người dân có hàm lượng methanol nhất định nhưng rất thấp, không đến mức gây ngộ độc được. Vấn đề do hóa chất, cồn công nghiệp. Vấn đề quản lý hóa chất rất quan trọng. Nhiều cơ quan đã đề nghị cho chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp nhưng vẫn chưa thực hiện được. Nếu thực hiện được, rất khó để người xấu pha rượu bởi nó có màu đặc biệt, không giống rượu trắng bình thường”, BS Nguyên nói.
Bác sĩ cũng chia sẻ thêm, chi phí điều trị một ca ngộ độc methanol lên đến hàng chục, hàng trăm triệu mà nhiều ca không qua được, hầu hết để lại di chứng do đến muộn.
Thêm một khó khăn trong phát hiện sớm, điều trị cho bệnh nhân, đó là việc xét nghiệm tìm độc chất luôn phải gửi đi giám định tại các viện.
Nhiều bác sĩ cho rằng, không thể trang bị hết cho tất cả các viện, nhưng máy sắc kí khí khối phổ xét nghiệm các loại chất độc, rượu, ma tuý, hóa chất bảo vệ thực vật nên được trang bị cho những BV trung ương điều trị các bệnh lý này như BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy để bác sĩ có thể chủ động trong việc phải làm xét nghiệm.
Hồng Hải