2 người chết tại chỗ, 1 người nguy kịch khi vệ sinh hầm chất thải
(Dân trí) - Đang làm vệ sinh khu hầm xử lý chất thải trong nhà máy, 3 công nhân đã bất ngờ rơi vào hôn mê trong đó 2 người chết tại chỗ, 1 người nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy đang điều trị cho 1 bệnh nhân rất nguy kịch nghi do tiếp xúc với xút ăn mòn NaOH hoặc khí độc H2S. Đó là trường hợp anh B.M.T. (30 tuổi, ngụ tại TP HCM) được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến vào sáng 16/6.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người đại diện cho cơ sở sử dụng lao động ghi nhận, trước đó anh M.T. cùng 2 công nhân khác đang làm nhiệm vụ vệ sinh khu vực hầm xử lý chất thải trong nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An. Khi được phát hiện thì cả 3 đã nằm bất động, trong đó 2 người tử vong tại chỗ, riêng M.T. được chuyển đi bệnh viện cấp cứu. Trên đường chuyển viện, nạn nhân đã ngưng tim, ngưng thở nhưng may mắn được bác sĩ hồi sức tích cực, rồi chuyển đến Chợ Rẫy.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tú, khoa Hồi sức Tích cực cho biết, qua thăm khám, kiểm tra hình ảnh xác định, bệnh nhân bị tổn thương lan tỏa 2 bên phổi, chảy máu bên trong đường hô hấp, suy đa cơ quan, chức năng gan và thận… Bệnh nhân đang được cho thở máy, điều trị hồi sức tích cực. Tuy nhiên, tiên lượng còn rất nặng, nguy cơ diễn tiến xấu trong khoảng 1 tuần tới.
Bước đầu, phía nhà máy cho biết, trong hầm xử lý chất thải có sử dụng dung dịch xút kiềm NaOH.
ThS.BS Doãn Uyên Vy, chuyên khoa nhiễm độc cho biết, đây là một dung dịch có tính ăn mòn cao, khi hít phải dung dịch này, tính ăn mòn dữ dội sẽ khiến nạn nhân bị hoại tử phổi, phù phổi dẫn đến tử vong. Nếu qua được nguy kịch, người bệnh cũng phải đối mặt với nguy cơ ung thư đường hô hấp, sẹo lồi gây chít hẹp đường hô hấp.
BS Uyên Vy thông tin thêm, các hầm xử lý chất thải đặc biệt là dạng hầm kín, dùng để xử lý xác động vật ngoài hóa chất cơ sở chủ động sử dụng thì trong quá trình phân hủy, các phản ứng thường sinh ra khí độc (H2S) có mùi trứng thối. Ở nồng độ thấp khứu giác của con người có thể cảm nhận được nhưng nồng độ cao, sẽ làm tê liệt hoàn toàn khứu giác, ức chế thần kinh gây ngộ độc cấp tính khiến nạn nhân gục tại chỗ.
Từ tai nạn thương tâm trên, bác sĩ cảnh báo các nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến, các hầm mỏ… cần đặc biệt chú ý đến nguy cơ ngộ độc khí, ngộ độc các loại hóa chất cho người lao động. Đơn vị sử dụng lao động phải lường trước được những nguy hiểm từ thực tế các hóa chất đã dùng trong xử lý chất thải, xử lý nước thải, có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm. Trường hợp bắt buộc phải thực hiện công tác vệ sinh hoặc phải tiếp xúc với các điểm nguy cơ, người lao động cần được trang bị kỹ đồ bảo hộ lao động đặc biệt là mặt nạ chống độc.
Trên thực tế, đã có nhiều vụ ngộ độc khí và hóa chất khiến nhiều người tử vong, nguyên nhân chính là do việc ứng cứu không lường trước những nguy hiểm. Bác sĩ cảnh báo, khi thấy đồng nghiệp bất ngờ ngã gục theo bản năng, người đi cùng hoặc người phát hiện sẽ nhanh chóng tiếp cận hỗ trợ. Tuy nhiên, điều đó là vô cùng nguy hiểm bởi người tiếp cận ứng cứu nếu không được trang bị đồ bảo hộ cũng sẽ tiếp tục hít phải khí độc và trở thành nạn nhân.
Việc tiếp cận ứng cứu người gặp nạn cần thực hiện càng sớm càng tốt, nhưng người cứu hộ phải được trang bị đồ bảo hộ lao động, thiết bị chuyên dụng có khả năng chống khí độc. Nếu không đảm bảo an toàn, cần nhờ đến hoạt động cứu hộ cứu nạn của cơ quan chức năng để tránh hậu quả khôn lường có thể xảy ra.
Vân Sơn