2 bệnh nhân “tiêu” hàng chục tỷ đồng quỹ Bảo hiểm Y tế

(Dân trí) - Hai bệnh nhân tại Chợ Rẫy đang giữ kỷ lục được bảo hiểm y tế chi trả viện phí khi mỗi người “tiêu” cả chục tỷ đồng. Theo cơ quan Bảo hiểm Xã hội, đây là việc chi trả hợp lý, mang tính nhân văn.

Bệnh nhân chảy 1-2 lít máu mỗi ngày sau phẫu thuật

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Thúy Hà, Phó khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tại đây đã tiếp nhận, điều trị cho 2 trường hợp bị hemophilia là bệnh nhân Danh Văn (30 tuổi) và bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm (36 tuổi). Cả hai bệnh nhân đều thiếu yếu tố đông máu (yếu tố VIII) di truyền.  

2 bệnh nhân “tiêu” hàng chục tỷ đồng quỹ Bảo hiểm Y tế - 1
BS Thúy Hà chia sẻ về 2 ca bệnh được Bảo hiểm Y tế chi trả mức "khủng"

Trường hợp bệnh nhân Danh Văn là một thầy giáo dạy học ở đảo tại Kiên Giang, gia đình có người cậu đã chết vì bệnh này. Danh Văn đã phát hiện mắc bệnh từ năm 13 tuổi, có điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng, truyền máu mỗi năm 2 đến 3 lần.

Trước tết năm 2020 bệnh nhân đi dạy về bị té ngã gãy 2 xương cẳng chân trái, tuy nhiên vết thương của bệnh nhân trở nên nặng nề, máu chảy không thể cầm được gây tình trạng chèn ép khoang, nguy cơ tử vong.  

Bệnh nhân được chuyển đến Chợ Rẫy phẫu thuật nhưng trong quá trình điều trị các bác sĩ phát hiện người bệnh có chết ức chế đối với yếu tố VIII. Sau hậu phẫu mỗi ngày bệnh nhân bị chảy từ 1 đến 2 lít máu.

Với trường hợp này, nếu không có thuốc cầm máu, người bệnh sẽ tử vong vì mất máu. Sau hội chẩn các bác sĩ quyết định cho bệnh nhân sử dụng thuốc khắc phục tình trạng kháng yếu tố VIII. Các loại thuốc để điều trị để cầm máu, cứu mạng người bệnh đều có chi phí rất đắt nhưng may mắn được Bảo hiểm Y tế chi trả. 

BS Thúy Hà cho biết, người bệnh đã được sử dụng thuốc cầm máu, truyền yếu tố VIII liều cao gấp 2 đến 3 lần so với bình thường, bên cạnh đó bệnh nhân được điều trị ức chế miễn dịch để làm giảm nồng độ chất ức chế yếu tố VIII. Sau 3 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân bắt đầu cải thiện, cầm được máu, 2 xương cẳng chân lành dần sau đó người bệnh được xuất viện.  

2 bệnh nhân “tiêu” hàng chục tỷ đồng quỹ Bảo hiểm Y tế - 2
Bệnh nhân Danh Văn "tiêu" gần 11 tỷ đồng sau 2 đợt điều trị

Mới đây, ngày 2/6 bệnh nhân gặp tình trạng chảy máu, phải trở lại bệnh viện điều trị, với chi phí lên tới hơn 3 tỷ đồng trong quá trình điều trị này.

Như vậy, chỉ với 2 đợt nhập viện, tổng các khoản chi phí đến nay của người bệnh lên đến gần 11 tỷ đồng. 

Hơn chục tỷ đồng cho hai ca bệnh

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm (36 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long). Bệnh nhân nhập viện từ tháng 5/2014 với một khối tụ máu mạn tính bị nhiễm trùng chiếm hết phần lưng, hông bên trái gây lở loét, chảy máu liên tục trên nền cơ địa mắc bệnh lý hemophilia. Khối máu tụ gây nhiễm trùng, đồng thời phân hủy xương, chèn ép thần kinh khiến chân trái của bệnh nhân bị yếu liệt. 

BS Hà cho biết, khối u máu của bệnh nhân có kích thước lên tới gần 20cm nếu không được mổ, bệnh nhân sẽ tử vong. Bệnh nhân đã phải thực hiện 5 cuộc phẫu thuật lớn để giải quyết khối u và hàng chục cuộc phẫu thuật nhỏ để xử lý nhiễm trùng, đặt dẫn lưu, ghép da. Từ thời điểm nhập viện đến nay, bệnh nhân phải “lấy bệnh viện làm nhà” nằm điều trị liên tục.

2 bệnh nhân “tiêu” hàng chục tỷ đồng quỹ Bảo hiểm Y tế - 3

Bệnh nhân Phan Hữu Nghiêm thời điểm nhập viện có khối u máu lớn gây hoại tử xương

Hiện khối u trên cơ thể bệnh nhân đã được cắt, kiểm soát tốt tình trạng nhiễm trùng. Bệnh nhân đang trong thời gian chờ ghép da để chuẩn bị xuất viện.

Tính từ thời điểm khởi phát khối u ở bệnh nhân từ năm 2010 đến nay đã tròn 10 năm, trong đó có 6 năm bệnh nhân phải nằm viện liên tục gần như chưa về nhà. Chi phí điều trị trong những năm thực hiện phẫu thuật lớn cho bệnh nhân Bảo hiểm Y tế phải chi trả 4 đến 5 tỷ đồng, những năm bệnh nhân nằm viện, điều trị và phẫu thuật nhỏ trung bình cũng tốn hơn 1 tỷ đồng. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng theo ước tính của các bác sĩ bệnh nhân đã tiêu tốn cả chục tỷ đồng. 

Liên quan đến việc chi trả Bảo hiểm Y tế cho 2 ca bệnh trên, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP HCM cho biết: “Bệnh nhân được Bảo hiểm Y tế chi trả với số tiền lớn thực hiện theo đúng nguyên tắc có đóng thì có hưởng. Quỹ bảo hiểm vận hành trên cơ sở lấy số đông bù số ít, người không mắc bệnh thì không cần hưởng, người mắc bệnh nhẹ hưởng ít, người mắc bệnh nặng hưởng nhiều. Điều này, thể hiện chính sách nhân đạo, nhân văn trong hoạt động bảo hiểm y tế”.

Tuy nhiên, theo ông Mến, dự kiến thời gian tới Bộ Y tế sẽ có đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế theo gói dịch vụ, những người bệnh đóng bảo hiểm ở số tiền lớn thì quyền lợi hưởng sẽ cao. Bên cạnh đó, bảo hiểm cũng sẽ được thanh toán theo tình trạng bệnh, có mức khống chế. Đề án sẽ chờ Quốc hội xem xét để trình Chính phủ, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý sẽ từng bước được triển khai thí điểm.

“Hemophilia là bệnh thiếu yếu tố đông máu di truyền, bệnh nhân sinh ra đã mắc bệnh, có những trường hợp phát hiện bệnh sớm ngay sau sinh, có trường hợp phát hiện khi tập đi do thường xuyên té, bầm các vị trí tiếp xúc trên cơ thể. Những trường hợp muộn, bệnh nhân đã trưởng thành bị tai nạn vết thương lâu lành, chảy máu khó cầm đến khi tới bệnh viện kiểm tra thì mới phát hiện”, BS Thúy Hà cho biết.

 Vân Sơn