1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

16 tỉnh thành chính thức tăng viện phí

(Dân trí) - Bộ Y tế cho biết, việc áp dụng mức giá mới được thực hiện trước ngày 15/8/2016 tại 16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên 85%. Tại các tỉnh này, viện phí được tính bao gồm cả tiền lương theo quy định, với mức tăng khoảng 18%.

Tăng giá 18% khi đưa lương vào viện phí

Trước đó, theo Thông tư liên tịch số 37 do liên Bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37, việc điều chỉnh viện phí thực hiện theo hai bước, bước 1 bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù (đã được thực hiện kể từ ngày 01/3/2016); Bước 2 mức giá bao gồm các chi phí tại bước 1 nêu trên và chi phí tiền lương được thực hiện từ 01/7/2016. (Bình quân mức giá có tiền lương tăng khoảng 18% so với mức giá hiện nay chưa tính tiền lương.

16 tỉnh thành chính thức tăng viện phí - 1

Về lộ trình thực hiện bước 2, liên Bộ đã thống nhất phương án điều chỉnh bước 2 thành 04 đợt, trong đó không chọn thời điểm tháng 9 vì là đầu năm học mới. Ngoài ra chia mỗi đợt tăng áp cho khoảng 15-16 tỉnh, thành phố/đợt, với phương án này thì tác động vào CPI khoảng 0,4-0,6%/đợt, tương đương khoảng dưới 2% cho cả 04 đợt điều chỉnh.

Theo đó, đợt 1 thực hiện trước ngày 15/8/2016 đối với 16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên 85%. 16 tỉnh thành này gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lai Châu, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Hòa Bình, Thừa-Thiên Huế, Quảng Nam, Yên Bái và Lạng Sơn.

Theo phân tích của Bộ Tài chính và Tổng Cục thống kê thì đây là thời điểm thích hợp vì giá xăng dầu đang tiếp tục giảm, do chưa vào năm học mới nên tránh được tác động cộng hưởng đến CPI của giá dịch vụ giáo dục, hơn nữa CPI hiện đang ở mức thấp (có khả năng âm). Dự kiến việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chỉ tác động vào CPI khoảng 0,3% do đó giữ được mức lạm phát trong phạm vi cho phép chủ Chính phủ và Quốc Hội.

3 đợt tăng tiếp theo Bộ Y tế sẽ đề xuất trình Chính phủ và có thông báo đến các đơn vị, địa phương theo quy định của Thông tư 37.

Bệnh nhân không có BHYT vẫn áp giá cũ

Bộ Y tế cho biết, với đợt điều chỉnh giá tính cả tiền lương vào viện phí lần này tại 16 tỉnh, thành chỉ áp dụng giá viện phí mới với người có thẻ BHYT, chưa áp dụng với người bệnh không có thẻ BHYT. Như vậy dù viện phí tăng do tính lương vào viện phí, nhưng người bệnh chưa có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng.

Với người có thẻ BHYT thì quyền lợi được tăng lên do không phải trả thêm hoặc mua một số vật tư chưa kết cấu vào giá; các bệnh viện có điều kiện để triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng và được BHYT thanh toán ngay trên địa bàn; giảm chi tiền túi và bảo đảm công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh.

“Riêng với các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế xã hội khó khăn, người dân sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, xã đảo, huyện đảo, người cận nghèo... vì các đối tượng này đã được nhà nước mua thẻ hoặc hỗ trợ phần lớn để mua BHYT, phần tăng thêm về cơ bản do BHXH thanh toán”, đại diện Bộ Y tế khẳng định.

Theo Bộ Y tế, việc tính tiền lương vào giá sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ tốt thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ, đây là giải pháp quan trọng để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ làm hài lòng người bệnh, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ. Các đơn vị, địa phương còn lại tiếp tục thực hiện mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù theo thông tư 37 cho đến khi Bộ Y tế có thông báo thời điểm thực hiện cụ thể với các đơn vị.

Để chuẩn bị cho đợt điều chỉnh viện phí này, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đã tính toán nguồn ngân sách của quỹ BHYT cho thấy vẫn có khả năng cân đối được đến 2017. Từ năm 2018 sẽ xem xét việc cân đối quỹ để điều chỉnh mức đóng cho phù hợp (Luật quy định tối đa 6%, hiện nay đóng 4,5% lương). Khi điều chỉnh giá viện phí được áp đối với người không có thẻ BHYT sẽ thúc đẩy đối tượng này tham gia BHYT.

Thay vì cấp ngân sách cho cách bệnh viện, khi tính lương vào viện phí, nguồn ngân sách đang cấp cho các bệnh viện hiện nay (dự kiến khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm) sẽ được Nhà nước chuyển sang hỗ trợ các đối tượng tham gia BHYT do đó sẽ giúp thực hiện lộ trình BHYT toàn dân nhanh hơn.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm