15 nguyên tắc tăng cường sức khỏe trong mùa dịch bệnh

(Dân trí) - Theo BS Nguyễn Quốc Tuấn, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, để phòng chống cảm cúm và dịch bệnh do vi rút gây ra, cần phải dựa vào các biện pháp tăng cường sức đề kháng cho hệ miến dịch.

 Tại lễ phát động Chiến dịch tuyên truyền “Tăng đề kháng mỗi ngày – Thắng dịch bệnh lâu dài 2013” sáng nay (3/8) của Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, BS Quốc Tuấn đã đưa ra các nguyên tắc giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh sau:

 

- Thiết kế thực đơn thông minh: chọn thực đơn đủ chất đạm, đường, chất béo tốt, rau xanh; cân bằng các loại cá, đậu đỗ và củ quả an toàn.

 

- Ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn được tiêu hóa tốt, dễ hấp thu

 

- Bổ sung vitamin và các thành phần vi khoáng như vitamin C (giúp tăng cường sức mạnh bạch cầu, sức đề kháng, hoạt động của hệ miễn dịch); vitamin E (hỗ trợ hệ miễn dịch trong cuộc chiến chống các thành phần tự do), Axit folic và vitamin B12 (kiểm soát quá trình tạo ra bạch cầu trong tủy xương)….

 

- Suy nghĩ tích cực: Những cá nhân có thái độ lạc quan, tích cực đối với cuộc sống rất hiếm mắc các bệnh lây nhiễm, có sức khỏe tốt và tuổi thọ cao hơn.

 

- Chăm gặp gỡ bạn bè, sẽ giúp giải phóng những cảm xúc tích cực, tăng endorphin – hợp chất chống viêm nhiễm tự nhiên.

 

- Luôn tươi cười giúp phổi được cung cấp lượng không khí nhiều gấp 3 bình thường, giúp bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm bệnh gấp đôi.
 
- Đi bộ 30 phút/ngày, nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt là giờ nghỉ trưa sau ăn.

 

- Đi bộ 30 phút/ngày, nghỉ ngơi hợp lý, đặc biệt là giờ nghỉ trưa sau ăn.

 

- Ngủ đủ giấc và sâu: Nên ngủ đủ 6-8 giờ/đêm và 30 – 60 phút trưa mỗi ngày.

 

- Giảm stress: Đi bộ, thở khí công hoặc tập luyện thể thao là cách thức hóa giải stress tuyệt vời.

 

- Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia (chỉ uống tối đa 50cc rượu mạnh hoặc 1 ly rượu vang)

 

- Tự rèn luyện khả năng chịu đựng của cơ thể: 2 phương pháp rèn luyện cơ bản giúp cơ thể chịu rét và các tình huống thời tiết thay đổi đột ngột tốt hơn là nhúng chân vào nước lạnh (mùa đông xả nước lạnh vào chậu đến mắt cá chân và ngâm chân với thời lượng tăng dần nhưng không quá 6 phút/lần/ngày) và xả nước vòi hoa sen luân phiên (ấm – lạnh - ấm) vào buổi tối trước khi đi ngủ.

 

- Không quên tiêm chủng

 

- Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét với người bệnh và tránh xa nơi dịch bệnh.

 

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các chất diệt khuẩn.

 

- Không ăn uống hay tiếp xúc với gia cầm, gia súc có khả năng truyền bệnh.

 

Cũng tại buổi lễ này, ông Đặng Quốc Việt, Giám đốc TT TTGDSK TƯ nhấn mạnh: “Khi ý thức phòng bệnh của người dân tốt lên thì mọi người sẽ dễ dàng ngăn chặn được nhiều dịch bệnh, qua đó góp phần hạn chế thiệt hại về con người và vật chất do dịch bệnh gây ra cho xã hội”.

 

Trần Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm