11.000 ca chọc ối trong 5 năm, không ca nào gặp biến chứng nguy hiểm
(Dân trí) - PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết, nhiều chị em khi bác sĩ chỉ định chọc ối lo lắng mất ăn, mất ngủ. Tuy nhiên đây là kỹ thuật cần làm khi nghi ngờ có bất thường thai.
Tại Hội nghị sản phụ khoa Việt Pháp 2022 diễn ra trong 2 ngày 9-10/10 tại Hà Nội, PGS.TS Trần Danh Cường chia sẻ: "Lĩnh vực chẩn đoán trước sinh ở Việt Nam ngày càng phát triển, có thể nói tiệm cận được sự phát triển của thế giới, khu vực trong lĩnh vực này".
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương thông tin thêm, lĩnh vực chẩn đoán trước sinh ngày càng phát triển. Từ những kỹ thuật siêu âm hình thái, sàng lọc trước sinh bằng huyết thanh của người mẹ, kỹ thuật tìm ADN tự do của thai trong máu của mẹ… đến các phương pháp chẩn đoán các bệnh lý trong lĩnh vực di truyền, với bệnh phẩm lấy bằng nước ối, Việt Nam làm rất "chắc tay".
Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều thai phụ khi bác sĩ chỉ định chọc nước ối lại lo lắng đến mất ăn mất ngủ, thậm chí suy nghĩ tiêu cực không muốn làm vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi.
Theo PGS Cường, đây là suy nghĩ sai lầm, bởi hiện tại, kỹ thuật chọc ối rất an toàn.
"Trước kia kỹ thuật thô sơ, chọc ối chưa có hướng dẫn của siêu âm, kim chọc ối kích thước lớn nên có nguy cơ biến chứng. Nhưng hiện nay, chọc ối được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, kim chọc ối rất nhỏ, tỉ lệ biến chứng sau chọc ối rất thấp, hầu như không xảy ra", PGS Cường nói.
Cụ thể, trong nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong 5 năm, hơn 11.000 ca chọc ối đã được thực hiện tại đây, thì tỉ lệ biến chứng gần như không có. Chỉ có một số rất ít trường hợp rỉ một chút máu, đau, còn không xảy ra ca nào biến chứng nặng làm ảnh hưởng thai nhi.
"Đây là một phương pháp cần thực hiện ở những trường hợp thai có nguy cơ cao, siêu âm phát hiện bất thường hình thái dù là nhỏ nhất. Chọc ối xét nghiệm sẽ trả lời câu hỏi có phải là bệnh di truyền, có chữa được không và sau khi ra đời có ảnh hưởng sức khỏe, trí tuệ trẻ hay không", PGS Cường phân tích.
PGS Cường cho biết thêm, thời gian tới, với vai trò là bệnh viện đầu ngành trong lĩnh vực sản khoa, Bệnh viện sẽ nhập các máy móc hiện đại để làm các công nghệ sâu hơn, giải trình tự gen thế hệ mới để chẩn đoán các bệnh lý mà trước đến nay, chúng ta ít biết, có thể là những đột biến gen rất nhỏ, máy móc thông thường không phát hiện được. Nhưng những đột biến gen đó có thể để lại hậu quả nặng nề về sinh trưởng, phát triển, thần kinh vận động, trí tuệ của trẻ".
"Nghiên cứu về kỹ thuật chọc ối, chẩn đoán trước sinh cũng được trình bày tại Hội nghị khoa học lần này. Các nghiên cứu, báo cáo được trình bày tại Hội nghị khoa học đều là những nghiên cứu được thực hiện tốt ở trung tâm lớn, kết quả chắc chắn được ứng dụng", PGS Cường nói.
Theo ông, những kết quả đó không chỉ để nói với thế giới rằng chúng ta cũng làm nghiên cứu khoa học không kém gì họ, chúng ta nắm được kỹ thuật họ trình bày, cũng như ta đi học về có thể ứng dụng các kỹ thuật đó vào điều trị hàng ngày, chăm sóc sức khỏe sản khoa.
Tại Lễ khai mạc Hội nghị Sản phụ khoa Việt Pháp lần thứ 22, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đây là một trong những diễn đàn có uy tín về mặt chuyên môn, với sự tham dự của nhiều y bác sỹ trong và ngoài nước, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sản phụ khoa.
"Diễn đàn khoa học này giúp cập nhật các kiến thức khoa học, và kinh nghiệm lâm sàng, cũng như các tiến bộ về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cho các y bác sỹ chuyên ngành sản phụ khoa"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Hội nghị sản phụ khoa Việt Pháp đã giới thiệu một số thành tựu của lĩnh vực sản phụ khoa Việt Nam như nuôi sống trẻ sơ sinh dưới 500gr , chẩn đoán trước sinh phát hiện sớm dị tật thai nhi, ứng dụng kỹ thuật cao trong hỗ trợ sinh sản, thực hiện phẫu thuật mổ nội soi ít xâm lấn, một số phương pháp sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung…