10 thói quen không phải lúc nào cũng “tệ”

(Dân trí) - Nhiều thói quen sẽ gây hại khi quá cực đoan. Nhưng ở mức độ ít, chúng lại là một phần của một lối sống lành mạnh. Nghe thật mâu thuẫn nhưng rất có lý đấy bạn!

Tất nhiên không ai muốn sống như một kẻ nhếch nhác bừa bãi, nhưng bạn có biết là bàn làm việc hơi lộn xộn một chút lại khiến bạn sáng tạo hơn?

Dưới đây là 10 hành vi được cho là tiêu cực hóa ra lại tốt cho bạn - trái với những gì mà bố mẹ, thầy cô giáo và những đồng nghiệp “biết tuốt” của bạn vẫn thường nói.

10 thói quen không phải lúc nào cũng “tệ” - 1

Trì hoãn

Có rất nhiều tài liệu chỉ ra lý do tại sao mọi người lại hay trì hoãn - và làm thế nào để ngăn được điều này. Nhưng chúng ta nên mở rộng quan niệm về sự trì hoãn để bao gồm không chỉ sự lười biếng, mà còn là sự chờ đợi thời điểm thích hợp.

Nói cách khác, sự trì hoãn có thể giúp thúc đẩy sự sáng tạo vì bạn cho mình cơ hội để phát triển ý tưởng lớn của bản thân.

Steve Jobs của Apple có thể là một ví dụ về những người được hưởng lợi từ việc trì hoãn những nhiệm vụ nhất định. Thời điểm mà Steve Jobs tiếp nhận mọi thứ ra và nắm bắt các khả năng chính là khi xem xét những ý tưởng khác nhau, chứ không phải là ngụp lặn trong những thứ thông thường nhất, rõ ràng nhất và quen thuộc nhất.

10 thói quen không phải lúc nào cũng “tệ” - 2

Cắn móng tay

Các nhà nghiên cứu gần đây đã theo dõi khoảng 1.000 trẻ em từ lúc 5 tuổi. Khi trẻ được 5, 7, 9 và 11 tuổi, họ hỏi các phụ huynh xem trẻ có hay cắn móng tay hoặc mút ngón tay không. Khoảng 1/3 số trẻ có một hoặc cả hai thói quen này.

Khi trẻ được 13 và sau đó là 32 tuổi, các nhà nghiên cứu tiến hành test dị ứng. Kết quả cho thấy nhóm đó có thói quen cắn móng tay và/hoặc mút ngón tay ít bị dị ứng hơn.

Đồng thời, một trong các tác giả nghiên cứu khuyên các bậc cha mẹ không khuyến khích trẻ cắn móng tay hoặc mút ngón tay. Bởi dù không gây tổn thương về lâu dài, nó có thể làm hỏng da xung quanh móng tay, khiến ngón tay dễ bị nhiễm trùng và ảnh hưởng đến hàm răng nếu răng vĩnh viễn đã mọc.

10 thói quen không phải lúc nào cũng “tệ” - 3

Muộn giờ

Là người đến muộn “kinh niên” có thể gây trở ngại cho cả các mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp, khiến bạn trông có vẻ vô tổ chức hoặc tệ hơn là thiếu tôn trọng.

Tuy nhiên, “giờ cao su” cũng có những mặt tích cực của nó.

Nhiều người đi muộn thường có xu hướng vừa lạc quan vừa thiếu thực tế, và điều này ảnh hưởng đến cảm nhận của họ về thời gian. Họ thực sự tin rằng có thể tranh thủ lấy quần áo ở tiệm giặt, mua thực phẩm và đưa con đến trường trong một giờ.

Nói cách khác, những người đi trễ thường hy vọng và kỳ vọng điều tốt nhất - đó có thể là một con dao hai lưỡi trong cuộc sống hàng ngày.

10 thói quen không phải lúc nào cũng “tệ” - 4

Than phiền

Không ai muốn làm bạn với một người suốt ngày than phiền về người đồng nghiệp khó chịu, trời mưa, hay dịch vụ tệ hại ở nhà hàng nơi anh ra vừa ăn.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây trên The Atlantic thấy rằng những người than phiền có mục đích (đã hình dung ra một kết quả cụ thể cuối cùng) sẽ hạnh phúc hơn so với những người chỉ đơn giản là “bán than”.

Nếu bạn cần phải than phiền, có một cách để thể hiện sự tiêu cực mà không làm mọi người xung quanh ngán ngẩm hoặc làm trầm trọng thêm tình hình. Hay nói như chuyên gia tâm lý Guy Winch: “Than phiền hiệu quả là nhắm vào vấn đề có thể được khắc phục, và được gửi tới người có thẩm quyền khắc phục vấn đề đó.

Một lời than phiền hiệu quả có ba lớp: Đầu tiên, làm dịu lời than phiền sao cho người nghe không phải thủ thế. Thứ hai, trình bày theo cách không thù địch. Và cuối cùng, hãy nói với người đó rằng bất kỳ hành động nào mà họ làm để giúp bạn đều sẽ được đánh giá cao.

10 thói quen không phải lúc nào cũng “tệ” - 5

Kẹo cao su

Sẽ thật bất lịch sự nếu nhai kẹo cao su trong cuộc phỏng vấn tìm việc, vì thế hãy đừng làm vậy. Nhưng khi bạn đang ngồi một mình, nó có thể là chìa khóa cho năng suất và thư giãn.

Nhiều nghiên cứu gợi ý rằng nhai kẹo cao su sẽ giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn - một nghiên cứu thậm chí còn thấy những người nhai kẹo cao su thực hiện tốt bài kiểm tra trí thông minh hơn so với những người không.

Một nghiên cứu khác thấy rằng nhai kẹo cao su làm tâm trạng hứng khởi và làm giảm mức độ cortisol - hoóc môn gây stress.

10 thói quen không phải lúc nào cũng “tệ” - 6

Bàn làm việc lộn xộn

Nếu đống giấy tờ đổ sang bàn làm việc của đồng nghiệp, thì có lẽ đã đến lúc cần dọn dẹp.

Nhưng giả sử bạn có thể giữ “gọn” sự bừa bộn cho chính mình, thì sự vô tổ chức đó có thể có lợi. Nghiên cứu gần đây cho thấy sự bừa bộn thúc đẩy chúng ta hướng tới mục tiêu hơn vì chúng ta có động lực để tìm kiếm trật tự ở đâu đó.

Nói cách khác, chỉ đơn giản là nhìn thấy một không gian làm việc lộn xộn có thể khiến bạn làm việc năng suất hơn.

10 thói quen không phải lúc nào cũng “tệ” - 7

Hay sốt ruột

Cũng vậy, khi đang họp với sếp, sẽ không phải là ý hay nếu bạn cứ loay hoay trên ghế.

Nhưng rung đùi hoặc gõ ngón tay khi đang ngồi ở bàn làm việc của mình có thể giúp bạn luôn khỏe mạnh.

Một nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ hay sốt ruột hơn trong khi làm việc có tỉ lệ tử vong thấp hơn so với những phụ nữ cho biết họ ít khi sốt ruột.

Trong thực tế, sốt ruột có vẻ tạo ra mối liên quan giữa thời gian ngồi lâu và giảm nguy cơ tử vong.

10 thói quen không phải lúc nào cũng “tệ” - 8

Ngồi lê đôi mách

Không, đây không phải là một cái cớ để rủ người bạn tốt nhất của bạn “tám chuyện” về mái tóc mới của một người bạn thân khác.

Nghiên cứu gợi ý rằng việc “tám chuyện” để giúp đỡ người khác có thể làm cho bạn cảm thấy tốt hơn.

Một nghiên cứu cho thấy khi những người tham gia nghiên cứu thấy sự gian lận trong một trò chơi, nhịp tim của họ tăng lên. Nhưng các nhà nghiên cứu đã cho những người này quyền lưu ý người chơi về bất cứ điều gì họ muốn, và khoảng một nửa đã chọn viết thông tin về những tiểu xảo của kẻ lừa đảo.

Các nhà nghiên cứu gọi đây là loại truyền thông “tin đồn có ích”. Sau khi gửi đi “tin đồn có ích”, người gửi nói rằng họ cảm thấy tốt hơn và nhịp tim giảm xuống.

10 thói quen không phải lúc nào cũng “tệ” - 9

Mơ mộng

Trong năm 2010, các nhà nghiên cứu công bố một phát hiện gây chú ý cho thấy việc “để tâm hồn treo ngược cành cây” có thể khiến bạn không hạnh phúc.

Nhưng dành vài phút mơ màng cũng có thể làm bạn năng suất và sáng tạo hơn.

Ví dụ, một nghiên cứu trên The Harvard Business Review thấy rằng việc cho phép tâm trí vẩn vơ chừng 12 phút trong khi đang thực hiện một nhiệm vụ khó khăn có thể giúp bạn tìm thấy một giải pháp khi trở về với thực tại.

10 thói quen không phải lúc nào cũng “tệ” - 10

Sử dụng các từ đệm

À… thì, nghe có vẻ hoàn toàn không chuyên nghiệp , ờ thì…, có nên sử dụng từ đệm trong từng câu không?

Tuy nhiên, một bài viết gần đây trên Quartz nhấn mạnh rằng nghiên cứu cho thấy những từ như "à" và "ờ" giúp người nghe lĩnh hội và ghi nhớ những gì bạn đang nói.

Hơn thế nữa, một nghiên cứu khác cho thấy những người rất có lương tâm (nghĩa là rất chăm chỉ) nhiều khả năng sử dụng các từ phụ trong cuộc trò chuyện hơn.

Cẩm Tú

Theo Independent